Nhớ tết trồng cây của Bác Hồ

08:42 - Thứ Ba, 24/01/2023 Lượt xem: 7571 In bài viết

ĐBP - Mỗi độ tết đến, xuân về trong muôn vàn nỗi nhớ về Bác Hồ kính yêu, người dân đất Việt lại nhớ đến lời căn dặn, nhắc nhở ân cần và thiết thực của Người về công việc trồng cây gây dựng màu xanh cho quê hương đất nước.

Trồng cây khi xuân về đã xuất hiện sớm trong tư duy Hồ Chí Minh. Bác đã nhiều lần nhắc đến vấn đề này trong các bài nói chuyện với đồng bào, với tầng lớp nhân dân. Và ngày 23/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức viết bài đăng trên báo Nhân Dân với nhan đề “Tết trồng cây”.

Bài báo ngắn gọn nhưng ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Trong giới hạn câu chữ nhất định, “Tết trồng cây” của Bác lại chứa đựng một thái độ, một tấm lòng vì nước, vì dân, vì quê hương, đất nước của Bác. Người viết: Chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây”. Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều. Ý kiến của chúng tôi tóm tắt là thế này: Để kỉ niệm ngày thành lập Đảng, tất cả nhân dân miền Bắc, mỗi người phụ trách trồng một vài ba cây và chăm sóc tốt… Đọc “Tết trồng cây” ta ngỡ như Người đang ngồi bên quần chúng nhân dân để nói chuyện, bàn bạc, trao đổi về công việc trồng cây. Không kêu to, gọi lớn, lời “đề nghị” của Bác với nhân dân được nói ra từ tấm lòng vì lợi ích của dân, của nước. Những dẫn chứng cụ thể, những giải thích cặn kẽ. Bác đã thuyết phục được người nghe bằng lời lẽ nhẹ nhàng khi chỉ ra ý nghĩa của việc làm. Bác phân tích: “Mỗi tết trồng độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến năm 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất) chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mười năm, phong cảnh nước ta sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. Và để mọi người bắt tay vào công việc trồng cây trong khoảng thời gian không xa nữa thì “Ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ cho Tết trồng cây, thí dụ Bộ Nông Lâm, các Ty Nông Lâm và các đoàn thể cần phải ương đủ cây. Ủy ban hành chính các địa phương phải có kế hoạch trồng cây gì, trồng ở đâu…”. Những gợi ý, hướng dẫn của Bác cho một cái tết trồng cây thật cụ thể và thiết thực.

Trước đó, trong bài  “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà” đăng trên báo Nhân Dân ra ngày 30/5/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

Muốn làm nhà cửa tốt.

Phải ra sức trồng cây

Chúng ta chuẩn bị từ rày

Dăm năm sau sẽ bắt tay dựng nhà.

Quả là “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Rõ ràng, Bác Hồ luôn coi trọng việc “trồng người” nhưng cũng hiểu sâu sắc giá trị thiết thực, to lớn của công việc trồng cây… Lời khuyên bảo, nhắc nhở ân cần của Bác đã đi vào đời sống nhận thức, suy nghĩ tình cảm và hành động, việc làm của mọi tầng lớp nhân dân…

Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, toàn dân đã thực hiện sôi nổi “Tết trồng cây” đầu tiên trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý (năm 1960)… Mỗi khi mùa xuân về, nhân dân ta lại tổ chức “Tết trồng cây” theo lời Bác dặn. Ai cũng ý thức được rằng trồng cây cùng một lúc sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực: Điều hòa khí hậu, ngăn chặn thiên tai, lợi ích kinh tế, đem lại màu xanh cho quê hương, xứ sở…

“Tết trồng cây” năm xưa mãi còn nguyên tính thời sự. Khi đất nước còn chiến tranh, trồng cây để màu xanh không bao giờ mất đi trước khói lửa đạn bom tàn phá. Cây mẹ ngã, có cây con mọc lên. Ngày nay khi quê hương sạch bóng quân thù thì thiên tai lũ lụt lại trở thành “thứ giặc” đe dọa đến môi sinh và cuộc sống con người; nhiều cơn bão đã bới tận gốc những cây già nua, cổ thụ, những trận lũ kéo dài tuần lễ đã làm cho hàng trăm, hàng triệu héc ta cây ngâm mình trong nước thối rữa… Hơn bao giờ hết, tết trồng cây phải được thực hiện đồng bộ, khẩn trương, kịp thời. Nhớ  lời nhắc nhở năm xưa của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta lại càng “bắt tay vào công việc”. Mỗi người trồng một cây, mỗi nhà trồng vài cây để xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, để vùng đất trống, đồi núi trọc được khoác lên mình chiếc áo xanh kì diệu… Nhớ Người, chúng ta lại càng nhớ “Bác Hồ trồng cây năm xưa” để mãi tâm niệm và khắc ghi: “Mùa xuân là tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

Văn Thanh
Bình luận

Tin khác

Back To Top