Bài dự thi “Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân lần thứ nhất”

Để xứng đáng là những “viên gạch hồng” (bài 5)

12:07 - Thứ Tư, 19/04/2023 Lượt xem: 6133 In bài viết

Bài 5: Mỗi đại biểu phải xứng đáng với niềm tin và lá phiếu của cử tri

ĐBP - Thực tế cho thấy, hiệu quả hoạt động của HĐND phụ thuộc chủ yếu và được quyết định bởi chất lượng của đại biểu. Do vậy thời gian qua, mỗi đại biểu dân cử đã và đang không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống, tích cực nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ… Dù vậy, ở một số nơi, nhất là cấp cơ sở, chất lượng, hoạt động của đại biểu HĐND còn hạn chế.

Bài 1: Cuộc “đàm phán” trên đỉnh Pu Cai

Bài 2: Hiểu đúng giữa quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm

Bài 3: Níu giữ lòng dân

Bài 4: Từ lời hứa đến hành động

Những đóng góp của đại biểu HĐND đã góp phần tạo nên diện mạo bản làng Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên hôm nay bình yên hơn.

Cũng cần nhìn nhận khách quan một số hạn chế nhất định của các đại biểu, nhất là đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã. Ví như đại biểu chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, nên thời gian dành cho hoạt động của HĐND chưa nhiều, từ đó dẫn đến việc nghiên cứu, xem xét, đưa ra các giải pháp hiệu quả và quyết định những vấn đề quan trọng, nhất là về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, xây dựng cơ bản còn chưa sâu. Trong các kỳ họp, một số đại biểu đóng góp ý kiến chưa chất lượng, chưa nêu được các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Điều 39, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân số 11/2003/QH11, ngày 26/11/2003 của Quốc hội quy định: “Đại biểu HĐND phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND. Sau mỗi kỳ họp HĐND, đại biểu HĐND có trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của HĐND”…

Cùng với đó, chất lượng hoạt động của đại biểu chưa đồng đều, một số ít đại biểu chưa thật sự tích cực tham gia các hoạt động của HĐND, còn thiếu tự tin, ngại va chạm trong hoạt động chất vấn. Một số đại biểu chưa sắp xếp công việc, thời gian để tham dự đầy đủ các kỳ họp nơi mình ứng cử nên chưa nắm bắt và chuyển tải kịp thời tình hình và những vướng mắc của địa phương với cơ quan chức năng. Ngoài ra, trong các kỳ họp của HĐND, nhiều vấn đề kiến nghị, phản ánh của cử tri từ đầu nhiệm kỳ, nhưng đến cuối nhiệm kỳ vẫn chưa giải quyết; một số kiến nghị cử tri được các ngành, cơ quan chức năng trả lời chung chung, chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri, nhân dân.

Dẫn đến tình trạng trên, nguyên nhân trước hết là do lĩnh vực hoạt động của các đại biểu rộng, đòi hỏi phải có kiến thức tổng quát và kinh nghiệm thực tiễn; công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng hoạt động cho đại biểu sau khi được bầu còn nặng về lý luận, thiếu những kinh nghiệm thực tiễn cụ thể trong hoạt động của đại biểu. Hơn nữa, đa số đại biểu, nhất là cấp cơ sở hoạt động theo kiểu “vừa học, vừa làm”. Nên khi theo dõi, đôn đốc công tác giải quyết kiến nghị cử tri của một số cơ quan, đơn vị có thẩm quyền chưa nâng cao vai trò, trách nhiệm, thiếu quyết liệt, sâu sát; chưa rõ giải pháp để giải quyết dứt điểm.

Ông Giàng Trọng Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên trao đổi với phóng viên về hoạt động của các đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Đơn cử như kiến nghị của cử tri tổ dân phố 1, xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) về Dự án Bến xe khách tỉnh Điện Biên. Dự án này được phê duyệt quy hoạch từ năm 2004; phần lớn diện tích đất thu hồi thuộc tổ dân phố 1, xã Thanh Minh. Đến nay đã kéo dài nhiều năm, cử tri nhiều lần kiến nghị, phản ánh trong các cuộc giám sát, tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh, HĐND phường, thành phố, nhưng vẫn tồn đọng, kéo dài trong suốt nhiều năm qua, khiến cuộc sống của các hộ dân thuộc vùng quy hoạch gặp nhiều khó khăn do hạn chế quyền sử dụng đất, không được cải tạo, xây dựng nhà cửa.

Trên cương vị là cơ quan giám sát các hoạt động của đại biểu HĐND, ông Giàng Trọng Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên cho biết, đành rằng, các vấn đề có tính vĩ mô, hệ trọng, có tính chất và phạm vi rộng liên quan đến nhiều chủ thể, nhiều yếu tố… không dễ để mỗi đại biểu có thể đưa ra những thông tin cụ thể hay lời hứa về một sự việc, vụ việc cụ thể. Nhưng không để tình trạng những lời hứa với dân cứ chung chung, vô thời hạn theo kiểu vô thưởng, vô phạt. Từ đó, dẫn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu bị hạn chế, phần nào còn hình thức và chưa thực chất. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều kiến nghị của cử tri, Nhân dân chưa được các đại biểu đào sâu, mổ xẻ.

Nhìn chung, từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, các vị trúng cử đại biểu HĐND các cấp luôn nỗ lực, cố gắng trong hoạt động của mình để đáp lại sự tín nhiệm của cử tri và Nhân dân. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của đại biểu chưa đồng đều là vấn đề mà nhiều địa phương gặp phải, nhất là ở các nhiệm kỳ trước. Cá biệt, có những đại biểu rất hạn chế phát biểu, dù thảo luận tại tổ hoặc tham gia chất vấn tại các kỳ họp. Nhiều địa phương, trong xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của tỉnh, huyện có đại biểu thiếu bản lĩnh, hiểu biết pháp luật chưa sâu sắc, toàn diện nên chưa tích cực tham gia phát biểu thảo luận tại kỳ họp. Việc chất vấn mới chỉ tập trung chủ yếu ở những đại biểu chuyên trách, thậm chí có đại biểu khi nêu câu hỏi chất vấn mới chỉ dừng lại ở việc yêu cầu cung cấp, làm rõ thông tin…

Người dân xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ chia sẻ với tác giả về niềm tin đối với đại biểu HĐND các cấp.

Xác định nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, đặc biệt nhằm phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, trí tuệ của mỗi đại biểu HĐND các cấp, thời gian qua, cùng với  nhiều hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các vị đại biểu của Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên, mỗi đại biểu HĐND các cấp, nhất là cấp xã đã và đang chủ động, tích cực nắm bắt thông tin, tình hình thực tế của địa phương để tham gia thực hiện tốt công tác giám sát, thẩm tra, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng tại các kỳ họp. Cùng với đó, thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động, nhất là các kiến thức về quản lý Nhà nước, pháp luật, kỹ năng nghiên cứu tài liệu, thu thập thông tin, tiếp xúc cử tri, giám sát tại kỳ họp, giám sát thường xuyên, chất vấn, kỹ năng thẩm tra…

Chị Vù Ha De, đại biểu HĐND xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, chia sẻ: “Là cán bộ hội phụ nữ xã, kinh nghiệm trên các lĩnh vực không nhiều, song bản thân mình luôn cố gắng học tập để trau dồi kiến thức, nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của bà con như: Hạ tầng giao thông, giáo dục và đào tạo, lao động đào tạo nghề… Có như vậy mới xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của cử tri”.

Nâng cao hơn nữa chất lượng của đại biểu dân cử, song song với việc mỗi đại biểu phải thường xuyên nâng cao trình độ, nghiệp vụ, mỗi cử tri và Nhân dân cũng cần phát huy vai trò của mình. Bởi cử tri là người giám sát, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các lời hứa của đại biểu dân cử. Khi đại biểu trúng cử xa rời chương trình hành động, không nỗ lực thực hiện các lời hứa, thì cử tri có quyền truy vấn, nhắc nhở, thậm chí là bãi nhiệm nếu như không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân. Bên cạnh đó, đối với các ứng cử viên tái cử thì sẽ trở về địa phương ứng cử để tái cử. Với quy định này, cử tri có thể đánh giá mức độ hoàn thành lời hứa, chương trình, hành động của đại biểu đã hứa trong nhiệm kỳ qua, từ đó lựa chọn, tín nhiệm bầu làm đại biểu dân cử, xứng đáng với niềm tin và lá phiếu của mình.

Điều 46, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân số 11/2003/QH11, ngày 26/11/2003 của Quốc hội quy định: “Đại biểu HĐND nào không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tuỳ mức độ phạm sai lầm mà bị HĐND hoặc cử tri bãi nhiệm. Thường trực HĐND và Uỷ ban nhân dân quyết định việc đưa ra HĐND hoặc cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND theo đề nghị của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp. Trong trường hợp HĐND bãi nhiệm đại biểu HĐND thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu HĐND biểu quyết tán thành. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo thể thức do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định”.

Văn Quyết - Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top