Kết quả giảm nghèo tích cực song tiêu chí nông thôn mới đạt thấp

18:52 - Thứ Tư, 10/05/2023 Lượt xem: 4436 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục chương trình khảo sát chuyên đề việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tại Điện Biên, ngày 10/5, Tổ công tác của Đoàn giám sát số III của Quốc hội do Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội làm Tổ trưởng làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Tổ công tác của Quốc hội làm việc với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, trên địa bàn tỉnh Điện Biên chưa có huyện đạt chuẩn NTM theo các mức độ, chưa có đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, chưa có xã NTM kiểu mẫu, xã NTM nâng cao. Hiện nay toàn tỉnh có 21/125 xã đạt chuẩn NTM; bình quân đạt 13,07 tiêu chí/xã; 120 thôn bản được công nhận đạt chuẩn NTM và NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 26 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm còn 36,57%.

Đối với việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, trong giai đoạn 2021-2023, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình giảm nghèo, việc làm, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; huy động lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, cải thiện điều kiện sản xuất, tạo việc làm. Kết quả toàn tỉnh giảm 4,55% hộ nghèo, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Ông Vũ Xuân Hùng, Tổ trưởng tổ công tác của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh Điện Biên nguồn vốn để hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM, đặc biệt là xây dựng NTM cấp thôn bản giai đoạn 2021 – 2015. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Trung ương có cơ chế cho phép các địa phương điều chinh nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện các dự án, tiểu dự án trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững phù hợp với nhu cầu địa phương. Điều chỉnh một số tiêu chí tài sản quy định tại Thông tư số 02/2022/TT- BLĐTBXH, nhằm phù hợp với tính chất vùng miền, tạo thuận lợi trong công tác rà soát hộ nghèo; hướng dẫn quy định rõ nhóm đối tượng “người lao động có thu nhập thấp”, nhóm địa bàn “vùng nghèo, vùng khó khăn”...

Thành viên tổ công tác đã trao đổi, chỉ ra những hạn chế, vướng mắc trong triển khai các dự án Chương trình MTQG tại Điện Biên. Tổ công tác đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội  làm rõ các nội dung: Việc triển khai các cơ chế chính sách thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; mô hình quản lý, Ban chỉ đạo NTM trên địa bàn tỉnh; khó khăn bất cập trong việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG; kết quả giải ngân các chương trình MTQG xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững đến thời điểm hiện tại; nguồn đối ứng của địa phương, đóng góp của nhân dân, vốn lồng ghép triển khai thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới. Việc thực hiện các chỉ tiêu điện, nước sinh hoạt, thu nhập bình quân đầu người, đặc biệt là tại các xã, bản vùng sâu, vùng xa; các chương trình hỗ trợ cây, con giống; các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh; giảm nghèo về thông tin gặp khó khăn gì?

Tin, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top