Chú trọng nâng cao chỉ số cải cách hành chính

09:56 - Thứ Năm, 18/05/2023 Lượt xem: 4063 In bài viết

ĐBP - Xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là 1 trong những khâu đột phá chiến lược để đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững, những năm qua, tỉnh Điện Biên đã tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 đảm bảo thống nhất với quy định của Trung ương và phù hợp tình hình, điều kiện thực tế địa phương. Trong đó, UBND tỉnh chú trọng nâng cao chỉ số CCHC của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, góp phần xây dựng chính quyền hành động, phục vụ và hiệu quả. 

Tỷ lệ văn bản xử lý trên môi trường mạng ở huyện Nậm Pồ đạt trên 95%. Trong ảnh: Một cuộc họp không giấy của UBND huyện Nậm Pồ.

Ủy ban Nhân dân tỉnh vừa công bố kết quả chỉ số CCHC năm 2022 của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Nhìn chung, tỷ lệ điểm trung bình chung của các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2022 đạt mức khá trở lên và đều tăng điểm so với năm 2021. Trong đó, tỷ lệ điểm trung bình của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh là 84,94% (tăng 1,674 điểm %); đối với cấp huyện là 81,227% (tăng 0,44 điểm %).

Điểm của 19/19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đạt từ 74,472% - 89,928%. Trong đó, có 10/19 cơ quan, đơn vị đạt mức “tốt” (từ 85,07% - 89,928%); 9/19 có quan đạt mức “khá”. Đạt điểm cao nhất là Sở Tư pháp và điểm thấp nhất là Ban Dân tộc tỉnh. So với năm 2021, có 5 lĩnh vực tăng điểm; 3 lĩnh vực giảm điểm. Lĩnh vực Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật đạt tỷ lệ điểm cao nhất; lĩnh vực đạt điểm thấp nhất là Cải cách tài chính công.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan có chuyển biến tích cực nhất trong công tác CCHC trong khối các cơ quan, đơn vị của tỉnh. Năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng 8 bậc, từ vị trí thứ 14 năm 2021 lên vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng chỉ số CCHC các sở, ngành của tỉnh.

Có được kết quả đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Lãnh đạo Sở, cán bộ thực hiện nhiệm vụ đầu mối thực hiện TTHC thường xuyên quan tâm công tác kiểm soát TTHC, thực hiện việc công bố TTHC kịp thời. Đồng thời thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục nhằm tạo điều kiện phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Sở tập trung tuyên truyền lồng ghép công tác CCHC tại các cuộc hội nghị giao ban, các cuộc họp, trang thông tin điện tử của Sở... Chỉ đạo các phòng, đơn vị niêm yết công khai, minh bạch đầy đủ các TTHC tại trụ sở làm việc, trên website của cơ quan, đơn vị và trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi tra cứu và thực hiện TTHC. Công khai thông tin địa chỉ, số điện thoại của lãnh đạo Sở, Văn phòng, có hòm thư góp ý tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân liên hệ công việc và góp ý về thực hiện quy trình, TTHC, đặc biệt là kịp thời phản ánh những biểu hiện gây phiền hà của công chức trong thực thi nhiệm vụ. Nhờ đó, năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 1 trong 3 sở, ngành đứng đầu tỉnh trong lĩnh vực cải cách TTHC.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính, đảm bảo theo đúng quy định của Chính phủ. Vừa qua, Sở đã tiến hành sáp nhập các phòng chuyên môn vào các chi cục có chức năng nhiệm vụ tương đồng. Cụ thể: Sáp nhập Phòng Chăn nuôi thủy sản vào Chi cục Thú y, đổi tên thành Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản; Phòng Trồng trọt vào Chi cục Bảo vệ thực vật đổi tên thành Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật; sáp nhập Chi cục Lâm nghiệp vào Chi cục Kiểm lâm. Qua đó khắc phục việc chồng chéo trong ban hành các văn bản chỉ đạo và thực hiện chức năng nhiệm vụ, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đối với chỉ số CCHC của UBND cấp huyện, năm 2022 tỷ lệ điểm trung bình của 10 địa phương là 81,227%, tăng 0,44% so với năm 2021. Nậm Pồ là huyện đạt tỷ lệ điểm trung bình cao nhất (85,574%), thấp nhất là Mường Chà với 70,094%.

Ông Bùi Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, có tính chất quyết định thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, UBND huyện Nậm Pồ đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp thiết thực để nâng cao chất lượng CCHC như: Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc cơ quan, đơn vị; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu đối với 6 nội dung CCHC Nhà nước; gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác CCHC với việc bình xét thi đua, khen thưởng, đánh giá, xếp loại đối với tập thể và cán nhân cán bộ, công chức, viên chức. Nhờ đó, kết quả CCHC của huyện Nậm Pồ được nâng lên rõ rệt. Từ năm 2020, Nậm Pồ luôn xếp đứng đầu hoặc thứ 2 trong 10 huyện, thị xã, thành phố.

Để cải thiện chỉ số CCHC, huyện Nậm Pồ chú trọng rà soát, đánh giá thủ tục hành chính hiện hành, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp khắc phục, qua đó rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Chú trọng việc tổ chức đánh giá việc tiếp nhận, giải quyết TTHC hàng tháng, quý làm cơ sở đánh giá xếp loại cán bộ cuối năm. Trong đó, thực hiện hạ 1 bậc xếp loại hàng năm đối với lãnh đạo UBND huyện và cán bộ, công chức, viên chức phòng, ban thuộc UBND huyện nếu để quá hạn 1 văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh hoặc TTHC cấp huyện giải quyết; hạ 1 bậc xếp loại đối với cán bộ, công chức cấp xã nếu để xảy ra tình trạng giải quyết quá hạn đối với 5 TTHC cấp xã. Bên cạnh đó, huyện Nậm Pồ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Hiện nay, 100% các cuộc họp 2 cấp huyện - xã đều được tổ chức trực tuyến; họp không giấy; thực hiện chữ ký số 100% văn bản không có mức độ mật; tổ chức thực hiện 25 dịch vụ công trực tuyến…

Kết quả chỉ số CCHC là bộ công cụ đánh giá khách quan, trung thực, sát với tình hình triển khai công tác CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Bộ chỉ số CCHC giúp người đứng đầu cơ quan, đơn vị xác định được những mặt mạnh, mặt yếu trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC, từ đó kịp thời đề ra các giải pháp hiệu quả những năm tiếp theo.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top