Cần có quy định về trí tuệ nhân tạo nhằm tối đa lợi ích và kiểm soát rủi ro

14:52 - Thứ Ba, 23/05/2023 Lượt xem: 3824 In bài viết

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội xem xét sớm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để ban hành luật hoặc nghị quyết quy định về trí tuệ nhân tạo (AI) để thúc đẩy việc nghiên cứu, sử dụng nhằm tối đa lợi ích đem lại và kiểm soát rủi ro trong quá trình phát triển của công nghệ này.

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa tham gia ý kiến thảo luận trong phiên họp sáng 23/5. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Sáng 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Hoàn thiện thể chế trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) nhấn mạnh, bên cạnh những cơ hội chưa từng có, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là cuộc chạy đua về trí tuệ nhân tạo trên thế giới hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro, ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống xã hội, có thể gây ra những hậu quả khó lường và vượt ra khỏi tầm kiểm soát của con người.

Đại biểu cho biết, mặc dù chưa ban hành được khuôn khổ pháp lý chung toàn cầu nhưng một số khu vực và nhiều quốc gia đã thông qua quy định để tạo hành lang pháp lý nhằm đưa sự phát triển Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đi đúng hướng, vừa phát huy sự sáng tạo, vừa phòng ngừa, kiểm soát và hạn chế rủi ro do cuộc cách mạng này gây ra.

Trong khu vực tư, nhận thức được rủi ro hiện hữu về việc trí tuệ nhân tạo sẽ vượt tầm kiểm soát, từ ngày 22/3/2023, nhiều cá nhân thế giới đã tham gia Thư ngỏ kêu gọi tạm ngừng phát triển trong 6 tháng bất kỳ hệ thống AI nào mạnh hơn hệ thống GPT-4. Một trong những mục tiêu của việc tạm dừng này là để các nhà phát triển AI cùng với các nhà hoạch định chính sách nhanh chóng thiết lập hệ thống quản trị AI hiệu quả.

Quang cảnh phiên họp cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 sáng 23/5. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Đại biểu Nghĩa nêu rõ, ở nước ta, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư xác định mục tiêu: Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Đồng thời, Nghị quyết 52 cũng yêu cầu: “sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Ngay từ năm 2019, Chính phủ đã chủ động chỉ đạo xây dựng Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính nhưng đến nay cơ chế này vẫn chưa được ban hành.

Do đó, để tạo cơ sở pháp lý cho Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét sớm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để ban hành luật hoặc nghị quyết quy định về trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy việc nghiên cứu, sử dụng nhằm tối đa lợi ích đem lại và kiểm soát rủi ro trong quá trình phát triển của trí tuệ nhân tạo; quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng các thiết bị thông minh như robot, xe tự hành, thiết bị bay không người lái…

“Một hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện là điều kiện tiên quyết để Việt Nam không bị chậm chân trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời chủ động hơn trong tận dụng lợi thế và phòng, chống rủi ro, quan trọng hơn là để Việt Nam không trở thành nơi thử nghiệm cho những sản phẩm công nghệ có tính rủi ro cao, có nguy cơ gây thiệt hại về nhiều mặt trong tương lai”, đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.

Sớm khôi phục lại việc xây dựng chương trình pháp luật cho toàn khóa

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác xây dựng pháp luật kể từ đầu nhiệm kỳ, trong đó nổi bật là có được Đề án trình Bộ Chính trị định hướng xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ, cho thấy vai trò của Đảng đoàn Quốc hội và thể hiện tư duy chiến lược dài hơi song hành với nghị quyết của Đảng trong việc xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, Quốc hội đã có phương thức lập pháp thích ứng với tình hình, kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, nhất là các nghị quyết trong bối cảnh đại dịch Covid-19 để trao cho Chính phủ thẩm quyền ứng phó với đại dịch.

Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Thanh Vân, hoạt động lập pháp vẫn còn có những hạn chế nhất định, như việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật pháp lệnh; chất lượng các đạo luật chưa cao, đặc biệt là các quy phạm chính trị còn tồn tại khá phổ biến trong các đạo luật; kỷ cương lập pháp chưa nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa xác định rõ…

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân phát biểu ý kiến tại hội trường. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Cho rằng việc thay đổi thường xuyên với chương trình xây dựng luật pháp lệnh hàng năm chứa đựng tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, không bảo đảm và không tránh khỏi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, đại biểu kiến nghị phải sớm khôi phục lại việc xây dựng chương trình pháp luật cho toàn khóa bám vào nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng, hạn chế đến mức tối đa việc điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật hàng năm.

Đại biểu cũng nhấn mạnh phải khắc phục tình trạng luật, khung luật ống, bằng cách huy động sự tham gia nhiều hơn của các nhà khoa học tham gia, nhà chuyên môn và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật, thể hiện sự cầu thị trong phản biện xã hội.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ nên phân công một Phó Thủ tướng phụ trách công tác xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế để đẩy mạnh hoạt động xây dựng pháp luật. Cùng với đó, Nghị quyết về xây dựng chương trình luật, pháp lệnh cần xác định trách nhiệm của những người khởi xướng chính sách đề xuất xây dựng pháp luật.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết thời gian qua, việc lập chương trình xây dựng pháp luật ngày càng được nâng cao về chất lượng và tiến độ; tuy nhiên, số lượng dự án phải bổ sung sau khi Quốc hội đã quyết định chương trình xây dựng luật còn lớn.

Theo Nghị quyết số 80 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về chương trình xây dựng pháp luật năm 2023 thì trong năm 2023, Quốc hội sẽ xem xét 15 dự án, gồm thông 12 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến vào 2 dự án luật. Đến nay, các cơ quan lại trình Quốc hội bổ sung 16 dự án, dự thảo, gồm 12 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh và 3 dự thảo nghị quyết vào Chương trình. Như vậy, số lượng dự án được đề nghị bổ sung cao hơn số dự án đã được Quốc hội quyết định.

“Điều này, một mặt thể hiện sự thay đổi của tình hình thực tiễn đòi hỏi phải nhanh chóng điều chỉnh chương trình nhằm hoàn thiện thể chế. Nhưng mặt khác, việc phải bổ sung quá nhiều dự án so với Chương trình chính thức cũng thể hiện tính dự báo của Chương trình chưa cao”, đại biểu Nghĩa nhận định.

Đại biểu đề nghị các cơ quan quan tâm hơn về công tác tổng kết thực tiễn để lập đề nghị có tầm nhìn dài hạn hơn.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top