Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng năm 2023

Những “bông hồng đỏ” vùng dân tộc thiểu số (bài 2)

14:47 - Thứ Tư, 24/05/2023 Lượt xem: 4360 In bài viết

Bài 2:  Ươm “hạt giống đỏ”

ĐBP - Khẳng định được vai trò của mình, quần chúng là nữ trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ngày càng được quan tâm bồi dưỡng, phát triển, ươm mầm thêm nhiều “hạt giống đỏ”. Nhờ đó, ở nhiều cơ sở, trong những năm gần đây, đảng viên nữ đã tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Nhưng so với thực tế địa bàn, tỷ lệ này vẫn còn khiêm tốn, hạn chế.

Bài 1:  Những nữ đảng viên đi đầu

Các đảng viên mới huyện Tuần Giáo, trong đó có nhiều nữ người DTTS hoàn thành chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị tháng 4/2023.

Những “hạt giống đỏ” nảy mầm

Từ tấm gương của nữ Bí thư Đảng ủy đầu tiên của quê hương, phụ nữ Hà Nhì xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé đã có thêm động lực học hỏi, vươn lên, để được ghi nhận và xem xét, giới thiệu kết nạp Đảng. Đây cũng là điều mà Bí thư Pờ Mỳ Lế đặc biệt quan tâm khi đảm nhận trọng trách này. Nhớ lại năm 2015, nhiệm kỳ đầu tiên chị Pờ Mỳ Lế là Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, toàn xã chỉ có 34 đảng viên. Đến nay, con số này đã tăng lên 130 người, trong đó có 36 nữ (gần 27,7%). Riêng năm 2022 vừa qua, Sín Thầu phát triển được 17 đảng viên (kế hoạch giao 15), trong đó có 5 nữ. Năm 2023, đang xem xét kết nạp cho 10 quần chúng ưu tú (trong đó 5 người là nữ).

Khoàn Phì Mơ (1994), bản Tá Sú Lình, xã Sín Thầu kết nạp Đảng ngày 23/12/2022. Phì Mơ học hết lớp 9 thì ở nhà, lập gia đình, phát triển kinh tế, hiện là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản từ năm 2015. Phì Mơ chia sẻ: “Nhìn tấm gương Bí thư Đảng ủy xã cùng các cô, các chị đảm nhận các công tác khác nhau trong xã và các bản, tôi thấy phụ nữ Hà Nhì mình thật giỏi giang, có tiếng nói, có vị thế. Muốn học hỏi các chị nên tôi rất thích tham gia các tổ chức đoàn thể, hoạt động xã hội, phong trào thi đua... cố gắng phấn đấu, xứng đáng trở thành đảng viên. Chi hội phụ nữ bản Tá Sú Lình có 22 hội viên thì hiện đã có 3 đảng viên”.

Tại vùng đất cách mạng Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, những “hạt giống đỏ” cũng đang nảy mầm. Từ năm 2020 đến nay, Đảng bộ xã kết nạp mới được 4 đảng viên nữ đồng bào dân tộc Mông từ các bản; nâng số đảng viên nữ DTTS chi bộ nông thôn lên 11 người, trong tổng số 43 đảng viên nữ, 190 đảng viên toàn xã. Ông Vừ Sái Sùng, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: “Trước đó (những năm 1960), Pú Nhung đã có các đảng viên nữ đầu tiên. Tuy nhiên qua nhiều năm, vì nhiều nguyên nhân mà đảng viên nữ từ thôn bản của xã phát triển được rất ít. Hiện xã còn 2 đảng viên nữ cao tuổi dân tộc Mông, nay đã 56 năm tuổi đảng, là những người đáng kính, lấy làm tấm gương để khích lệ phụ nữ trên địa bàn phấn đấu noi theo. Nhờ đó, cùng nhiều giải pháp, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, phát triển được nhiều đảng viên nữ hơn hẳn. Đến nay 7/8 chi bộ bản có đảng viên nữ. Năm 2023, xã phấn đấu kết nạp mới 10 đảng viên, trong đó có 1 nữ bản Trung Dình đang hoàn thiện hồ sơ; ngoài ra có 2 quần chúng nữ đã được bồi dưỡng, cử đi học lớp nhận thức về Đảng”.

Tỷ lệ đảng viên nữ DTTS vẫn còn thấp

Có thể thấy, công tác phát triển đảng viên là nữ trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực; nhận thức về việc phát triển đảng viên nữ, bố trí sử dụng cán bộ nữ, cán bộ người DTTS trong xây dựng hệ thống chính trị được nâng lên. Qua đó công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên là nữ được chú trọng gắn với xây dựng chi bộ thôn, bản, tổ dân phố, có kế hoạch và biện pháp, giải pháp phù hợp để tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, dù tỷ lệ nữ đảng viên người DTTS tăng nhưng so sánh các số liệu trên thì kết quả còn thực sự khiêm tốn.

Tại huyện Tuần Giáo, hiện có 919 đảng viên nữ là người DTTS/1.571 đảng viên nữ (58,5%), trong tổng số 4.800 đảng viên (hơn 19%). Ông Quàng Văn Cương, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Tuần Giáo cho biết: “Chủ yếu các xã gần trung tâm, thuận lợi hơn một chút thì tỷ lệ đảng viên nữ nói chung có nhỉnh hơn. Cao nhất là Đảng bộ thị trấn với 50,17% đảng viên nữ, các đảng bộ xã Quài Cang, Quài Nưa, Quài Tở, Chiềng Sinh, Rạng Đông có tỷ lệ nữ từ 34 đến gần 39%. Việc phát triển đảng viên nữ DTTS ở các xã, bản vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ rất thấp”. Đơn cử tại xã Tênh Phông, trong tổng số 123 đảng viên toàn xã thì chỉ có 3 đồng chí Đảng viên nữ phát triển từ chi bộ nông thôn, còn lại là giáo viên, cán bộ, công chức nữ của các cơ quan tại địa bàn.

Đối với huyện Điện Biên, địa bàn có điều kiện thuận lợi hơn các huyện vùng cao khác trong tỉnh, ông Mai Trọng Thuyết, Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy cho biết: “Huyện xác định công tác phát triển đảng viên, đảng viên nữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các tổ chức cơ sở đảng, đặc biệt là ở địa bàn vùng cao, biên giới, vùng đồng bào DTTS. Huyện ủy đã chỉ đạo các đảng bộ cơ sở tập trung quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác phát triển đảng viên, đặc biệt là đảng viên nữ đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đảng bộ các xã chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển Đảng trong mỗi nhiệm kỳ, chủ động bồi dưỡng quần chúng ưu tú xứng đáng, trong đó quan tâm nữ người DTTS. Đồng thời tích cực vận động, quan tâm tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia công tác xã hội, hoạt động tập thể, phong trào thi đua lao động, sản xuất để rèn luyện, thể hiện năng lực, phẩm chất, tạo nguồn phát triển đảng. Tuy nhiên việc kết nạp đảng viên nữ DTTS cũng vẫn hạn chế”. Được biết, huyện Điện Biên có 74,22% dân số là người DTTS. Tính đến hết tháng 3/2023, tổng số đảng viên toàn huyện là 6.165 người; trong đó, đảng viên nữ 2.342 người (chiếm 38,1%); đảng viên nữ người DTTS có 948 người (chiếm 15,4%).

Số liệu đảng viên nữ DTTS của 2 huyện trên không nhiều nhưng so với tỷ lệ chung toàn tỉnh thì vẫn xấp xỉ, thậm chí còn cao hơn. Tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc cùng sinh sống với tổng dân số trên 62,5 vạn người. Trong đó, dân tộc Mông chiếm 38,12%, dân tộc Thái chiếm 35,69%, dân tộc Kinh chiếm 17,38%, còn lại là các DTTS khác, như: Khơ Mú, Dao, Kháng, Lào, Hà Nhì, Cống, Si La... Những năm gần đây, các chi, đảng bộ cơ sở đã quan tâm, tạo thuận lợi cho phụ nữ, nhất là phụ nữ DTTS tham gia các hoạt động tập thể, công tác xã hội, đoàn thể tại địa phương và chủ động bồi dưỡng kết nạp Đảng cho những người xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nếu như cuối nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh ta có 6.250 đảng viên nữ DTTS/13.150 đảng viên nữ/40.664 đảng viên toàn tỉnh (chiếm 15,37% tổng số đảng viên), thì đến hết tháng 3/2023, con số này nâng lên 6.964 đảng viên nữ DTTS/15.530 đảng viên nữ/45.219 tổng đảng viên (chiếm 15,4%).

Có thể thấy số lượng đảng viên nữ người DTTS tăng đáng kể qua từng năm. Nhưng việc phát triển đảng viên nữ ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, đồng bào DTTS vẫn luôn là vấn đề còn nhiều trăn trở. Vậy những khó khăn nào đã và đang là rào cản khiến phụ nữ đồng bào DTTS khó phấn đấu vào Đảng, “ngáng đường” công tác phát triển đảng với đối tượng này ở các chi, đảng bộ cơ sở vùng cao?

Bài 3: Để nhân lên những “vườn hồng” tươi thắm

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top