Đề xuất có tiêu chí đánh giá việc trả lời kiến nghị của cử tri

19:12 - Thứ Sáu, 26/05/2023 Lượt xem: 3584 In bài viết

Lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, đại biểu Quốc hội nhận định, điều này chứng tỏ hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai và minh bạch hơn.

Chiều 26-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, lần đầu tiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Củng cố niềm tin của cử tri và nhân dân

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đã có 2.593 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết lĩnh vực của đời sống xã hội; có 2.589 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, đạt 99,8%.

Nội dung giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri rõ ràng, cụ thể, được cử tri và nhân dân đồng tình. Những kiến nghị chưa thể giải quyết được, các cơ quan có thẩm quyền đều ghi nhận, tiếp thu trong quá trình sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật trong thời gian tới.

Báo cáo khẳng định, việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân, củng cố niềm tin của cử tri và nhân dân cả nước.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng).

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) phát biểu: Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giám sát đã tiếp tục có những đổi mới, chú trọng hơn vào việc hoàn thiện thể chế, ban hành các Nghị quyết, kết luận, hướng dẫn, cải tiến cách thức hoạt động một số hoạt động giám sát.

“Đây là lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, điều đó chứng tỏ hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai và minh bạch hơn”, đại biểu Nguyễn Tạo khẳng định.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho biết, các văn bản trả lời của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương đều được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp gửi đến Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, để đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh để đông đảo cử tri và nhân dân theo dõi và giám sát.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội).

Qua tham gia thực tế Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) nhận thấy rõ những chỉ đạo sát sao và đổi mới trong công tác giám sát. Đại biểu đánh giá, các bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong trả lời, giải quyết kiến nghị của người dân.

Chú trọng công tác giám sát

Bên cạnh kết quả đã đạt được, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc trả lời giải quyết kiến nghị cử tri còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, một số trả lời chậm so với thời gian quy định; nội dung thiếu cụ thể, chủ yếu liệt kê quy định pháp luật nhưng không đề ra biện pháp, định hướng giải quyết; một số vấn đề thực tiễn còn vướng mắc, cần cấp trên xem xét, giải quyết…

Quan tâm chất lượng của việc trả lời kiến nghị của cử tri, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng: “Công tác trả lời kiến nghị của cử tri đã tốt nhưng việc trả lời như thế nào cần được đánh giá kỹ hơn. Bởi có tình trạng các kiến nghị không chỉ của cử tri, còn kiến nghị của các địa phương gửi về các bộ, ngành gửi Chính phủ trả lời theo hướng, theo quy trình hoặc theo quy định của pháp luật. Do vậy, cần có tiêu chí để đánh giá việc trả lời kiến nghị cử tri, của các địa phương”.

Đại biểu cũng bày tỏ mong muốn Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có một vị thế thực sự phù hợp trong thực hiện nhiệm vụ được giao, như đề án thành lập Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội đã từng được nghiên cứu xây dựng.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai).

Để công tác giải quyết kiến nghị cử tri thực hiện hiệu quả, đúng với tính chất, mục đích, đại biểu Nguyễn Tiến Nam (Đoàn Quảng Bình) đề nghị, đối với những vấn đề mang tính sự vụ cụ thể, việc trả lời cần có sự hướng dẫn cụ thể, rà soát kỹ hồ sơ vụ việc, trả lời chi tiết…

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) cũng đề nghị giám sát trách nhiệm người đứng đầu trong việc giải quyết các kiến nghị của cử tri.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định).

Còn đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) cho rằng, cần có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và quy định rõ trách nhiệm chủ trì trong việc giải quyết những kiến nghị có liên quan, đặc biệt là những kiến nghị liên quan đến chính sách. Đồng thời, đại biểu kiến nghị, khi triển khai chính sách, cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng, cân nhắc xem xét những tác động trực tiếp, gián tiếp để có những quy định hợp lý ngay từ đầu, góp phần giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện. Trong quá trình thực hiện, cần tăng cường vai trò giám sát để kịp thời phát hiện những vướng mắc, có cơ chế điều chỉnh, bổ sung.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, phiên thảo luận là hình thức giám sát tối cao của Quốc hội, góp phần thúc đẩy trách nhiệm và chất lượng thực hiện của các cơ quan chức năng. Đây cũng là cơ sở thực tiễn phong phú để Quốc hội thực hiện chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Sau phiên thảo luận, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp để gửi đến các đại biểu Quốc hội theo dõi và chuyển cho các cơ quan tổng hợp, trả lời và nghiên cứu.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top