Tranh luận sôi nổi về quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ

14:19 - Thứ Ba, 30/05/2023 Lượt xem: 3930 In bài viết

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sáng 30-5, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp thực tiễn, cần rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật này theo hướng quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước để bảo đảm bí mật công vụ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận sáng 30-5.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Đoàn Hà Nội), bản chất của chữ ký số chuyên dùng công vụ là dùng công nghệ mật mã để xác thực thông tin dữ liệu và được triển khai sử dụng trong hoạt động công vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Kinh nghiệm thế giới cũng như Việt Nam coi mật mã như một vũ khí đặc biệt để bảo vệ an ninh quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và do cơ quan thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, quân sự, quốc phòng, đối ngoại của đất nước quản lý theo một chế độ nghiêm ngặt và phải được mã hóa. Nếu như xác định như vậy thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc này. 

“Chữ ký số chuyên dùng công vụ là chữ ký của người có thẩm quyền. Mỗi văn bản, mỗi giao dịch công vụ đều có tác động rất lớn và ảnh hưởng đến nhân dân, đến quốc gia, lợi ích của dân tộc. Vì vậy, chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải được cung cấp, quản lý chặt chẽ, bảo mật và phải giao cho cơ quan về quốc phòng, an ninh quản lý” - đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt nêu rõ.

Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt đề nghị cần quy định ngay trong dự thảo Luật về trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ. 

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) chỉ rõ, thực tiễn từ năm 2007 đến nay đã tồn tại 2 hệ thống chữ ký số riêng biệt là chữ ký số chuyên dùng công vụ và chữ ký số công cộng được Chính phủ giao cho 2 cơ quan quản lý. Trong đó, Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ. Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công cộng. 

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng nếu như dự thảo quy định Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý nhà nước cả 2 loại chữ ký số nêu trên, khi có vấn đề mất an toàn xảy ra thì việc xác định trách nhiệm là không rõ ràng. Vì thế, đại biểu đề nghị quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định pháp luật về cơ yếu và giao dịch điện tử.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn Kiên Giang) tranh luận tại hội trường.

Tranh luận với một số đại biểu về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn Kiên Giang) cho rằng, dự thảo Luật về cơ bản đã hoàn tất quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, cụ thể là trách nhiệm quản lý nhà nước về chữ ký chuyên dùng công vụ vẫn còn một số ý kiến khác nhau. Đại biểu cho biết, đối với quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất quan điểm cần phải phù hợp với chủ trương một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm chính.

“Theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, giao dịch điện tử hoạt động hằng ngày không thuộc phạm vi của nó chứa bí mật nhà nước”, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn lý giải khi nhấn mạnh chữ ký chuyên dùng công vụ không phải là lĩnh vực đặc thù thuộc phạm vi bảo vệ bí mật nhà nước.

Tranh luận tại hội trường, đại biểu Vũ Xuân Hùng (Đoàn Thanh Hóa) cho biết, chữ ký số chuyên dùng công vụ có mức độ an toàn kỹ thuật, tính bảo mật rất cao, đạt hiệu quả rất thiết thực và không có vướng mắc, dùng cho người, cấp có thẩm quyền nên mỗi văn bản giao dịch điều ảnh hưởng đến nhân dân, đến quốc gia, dân tộc. Vì vậy, cần được quản lý đặc biệt và dự thảo Luật cần phải được rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm bí mật và an toàn.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, về vấn đề quản lý nhà nước quy định tại Điều 7 của dự thảo Luật hiện có hai vấn đề đang cần nghiên cứu kỹ là quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ. Vì thế, cơ quan thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo để thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu, dù phương án Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư không có nội dung này.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, có 12 đại biểu Quốc hội phát biểu, 2 đại biểu tranh luận, 9 đại biểu chưa phát biểu do hết thời gian, đề nghị gửi ý kiến đến Ban Thư ký để tổng hợp.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top