Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường
Vụ trưởng Vụ địa phương 1, Ban Nội chính Trung ương
ĐBP - Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên, sự nỗ lực của cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, đóng góp vào thành công chung của công tác PCTNTC trên cả nước, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, chủ quyền biên giới lãnh thổ và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ngày 6/6/2013, Ban Nội chính Tỉnh ủy Điện Biên được thành lập với chức năng là cơ quan tham mưu, giúp việc, cơ quan chuyên môn của Tỉnh ủy, mà trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng; Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo tỉnh Điện Biên về PCTNTC, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp của Tỉnh ủy. Trong 10 năm qua, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, có nhiều đóng góp rất quan trọng vào thành công chung của ngành nội chính Đảng, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực.
Điện Biên là tỉnh có vị trí địa chính trị đặc biệt, có địa hình phức tạp; địa bàn có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Những đặc điểm này khiến cho tỉnh trở thành một trong những địa bàn trên cả nước tiềm ẩn nhiều phức tạp liên quan đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Trong 10 năm qua, Ban Nội chính Tỉnh ủy luôn chú trọng công tác nắm tình hình, nắm địa bàn “chắc”, sát. Việc nắm tình hình được khai thác tối đa thông tin từ các nguồn: qua công tác kiểm tra, giám sát; phản ánh của báo chí, trao đổi, cung cấp thông tin; qua tiếp công dân, giải quyết đơn thư kiến nghị, phản ánh của công dân. Trong đó chú ý phát hiện các thông tin về những vấn đề đột xuất, nổi cộm, phức tạp liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn. Nhờ nắm tình hình sát và chắc, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng liên quan đến an ninh biên giới, an ninh chính trị nội bộ và an ninh trật tự trên địa bàn có liên quan đến các loại tội phạm, trong đó có tội phạm về tham nhũng, kinh tế. Đáng chú ý, qua công tác nắm tình hình, đơn, thư kiến nghị, phản ánh, rà soát các kết luận thanh tra, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã phát hiện và đề xuất một số vụ việc, vụ án vào diện Ban Thường vụ chỉ đạo, xử lý; Ban Nội chính theo dõi, đôn đốc như: Vụ việc quản lý, sử dụng đất đối với Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp Trung ương - Chi nhánh Điện Biên; việc quản lý, sử dụng đất đối với Hợp tác xã Him Lam, TP. Điện Biên Phủ; vụ án vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản tại xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo...
Ban Nội chính đã đề xuất, kiến nghị Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý, giải quyết vụ án, vụ việc bảo đảm chính xác, khách quan, kịp thời, hiệu quả, đúng quy định. Ban Nội chính Tỉnh ủy đã nghiên cứu, quán triệt kỹ, hiểu đúng và nắm vững các chủ trương, quy định của Đảng và Nhà nước về nội chính, PCTNTC; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình trong công tác này, “đúng vai, thuộc bài”, không can thiệp, không làm thay hoạt động chuyên môn của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Quá trình tham mưu có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng, xem xét thận trọng, khách quan, toàn diện, gắn với bối cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể. Trong năm 2022, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy ban hành 7 văn bản cho chủ trương xử lý đối với 4 vụ việc và 1 vụ án tham nhũng, kinh tế xảy ra tại Trung tâm Quản lý đất đai TP. Điện Biên Phủ. Trong quý I/2023, đã tham mưu Thường trực Tỉnh ủy ban hành 2 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, cho chủ trương xử lý một số dự án, vụ việc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên và vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.
Ngay khi Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ban hành, ngày 10/6/2022, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh Điện Biên với 15 thành viên do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo, đảm bảo đúng cơ cấu, thành phần. Ban Nội chính Tỉnh ủy đã khẩn trương tham mưu Ban Chỉ đạo xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo, chương trình công tác, xây dựng các quy định, quy trình công tác để phục vụ triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đã tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo PCTNTC bám sát quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ thành viên và chương trình công tác để lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTNTC; nhất là thống nhất các vụ án, vụ việc diện Ban Chỉ đạo theo dõi; tổ chức họp liên ngành các cơ quan tiến hành tố tụng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Qua công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tư pháp đã phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế - xã hội, kiến nghị các cơ quan chức năng chấn chỉnh, khắc phục không để các đối tượng lợi dụng phạm tội. Kết quả bước đầu hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh Điện Biên đã khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ; thể hiện sự đồng lòng, nhất trí cao từ Trung ương đến địa phương theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
Kết quả đạt được trong 10 năm qua đã minh chứng cho những cách làm hay, sáng tạo, kịp thời hiệu quả, phát huy được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Tỉnh ủy Điện Biên. Trong thời gian tới, Ban cần tiếp tục làm tốt công tác theo dõi, nắm tình hình địa bàn; kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực, địa bàn, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội ở địa phương; tiếp tục rà soát, đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo để Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.