Xây dựng đội ngũ cán bộ Ban Nội chính Tỉnh ủy “trung thành, liêm chính, bản lĩnh, tận tụy, sáng tạo”

09:47 - Thứ Năm, 01/06/2023 Lượt xem: 5008 In bài viết

Đồng chí Chu Xuân Trường           

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy

ĐBP - Trong quá trình 10 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với ngành nội chính Đảng nói chung, Ban Nội chính Tỉnh ủy Điện Biên đã không ngừng hoàn thiện về tổ chức bộ máy, cán bộ, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu cho Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) và cải cách tư pháp.

Từ bước khởi đầu thành lập trên cơ sở chuyển giao nguyên trạng tổ chức, nhân sự của Phòng Nội chính trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy và Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh, đến nay Ban Nội chính Tỉnh ủy có 3 phòng chuyên môn với 18 công chức, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Quy định số 04-QĐi/TW, ngày 25/7/2018 trên cơ sở tiếp tục thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo Quy định số 183-QĐ/TW, ngày 8/4/2013 của Ban Bí thư và bổ sung thêm chức năng là cơ quan thường trực của hai Ban Chỉ đạo: Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh và Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh và một số nhiệm vụ mới, trọng tâm là hoạt động tiếp nhận, xử lý, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Tỉnh ủy và chủ trì, phối hợp tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp công dân.

Đồng chí Chu Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy tại Hội nghị ký kết quy chế phối hợp về thông tin, tuyên truyền công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh với Báo Điện Biên Phủ. Ảnh: Quang Hưng

Trong những năm qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Nội chính Trung ương và của Tỉnh ủy Điện Biên mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, cùng với sự phối hợp của các ban cán sự đảng, đảng đoàn, huyện, thị, thành ủy, đảng ủy thuộc tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã khắc phục khó khăn, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự xã hội của tỉnh, đó là:

Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tích cực, chủ động trong tham mưu đề xuất giúp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy ban hành 194 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính, PCTNTC và cải cách tư pháp; 14 Quyết định ban hành Quy chế; 5 Quy định về sự phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với các cấp ủy, tổ chức đảng liên quan trong công tác nội chính, PCTNTC, cải cách tư pháp, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và 27 kế hoạch triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của trung ương về nội chính, PCTNTC và cải cách tư pháp. Tham mưu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức giám sát, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị... của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác nội chính, PCTNTC và cải cách tư pháp đảm bảo kịp thời, đáp ứng yêu cầu, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Nắm tình hình, kịp thời tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý 11 vụ việc, vấn đề nổi cộm, phức tạp có liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; cho chủ trương, định hướng xử lý đối với 14 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo quy định.

Công tác tham mưu người đứng đầu cấp ủy trong tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân nhất là trong giai đoạn diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp được chú trọng. Ban đã tham mưu đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tổ chức tiếp, đối thoại với nhân dân theo Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị theo quy định; tham mưu Thường trực Tỉnh uỷ tiếp 179 lượt công dân; tiếp nhận, xử lý 807 đơn gửi đến Tỉnh ủy, tiếp 119 lượt công dân và tiếp nhận, xử lý 208 đơn gửi đến Ban Nội chính Tỉnh ủy. Tham mưu Tỉnh ủy ban hành văn bản tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân; xử lý đơn, thư; chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai các dự án trọng điểm, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đã phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức 29 cuộc kiểm tra về công tác nội chính và PCTNTC đối với 39 cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy. Qua đó, đã phát hiện vi phạm chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong quản lý mua sắm tài sản công, quản lý ngân sách, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản. Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy rà soát 777 kết luận thanh tra và 80 kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trên địa bàn từ 2015 - 2020; sau rà soát kịp thời tham mưu Tỉnh ủy ban hành văn bản đôn đốc xử lý, giải quyết theo quy định.

Nhằm nâng cao chất lượng tham mưu về công tác nội chính, PCTNTCvà cải cách tư pháp, Ban đã chủ trì, phối hợp Văn phòng Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức 3 hội nghị quán triệt, tập huấn nghiệp vụ công tác phòng, chống tham nhũng cho trên 1.500 lượt cán bộ là thường trực cấp ủy, lãnh đạo sở, ban, ngành, đoàn thể trực thuộc tỉnh; cán bộ làm công tác tham mưu về nội chính, PCTNTC và cải cách tư pháp của cấp ủy, cơ quan cấp tỉnh, huyện. Ban Nội chính đã soạn thảo và phối hợp thẩm định “Đề án Bảo đảm quốc phòng tỉnh Điện Biên giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030”; các dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ cấp huyện theo quy định và các nghị quyết, chỉ thị, văn bản liên quan về lĩnh vực nội chính, PCTNTC và cải cách tư pháp; nghiên cứu, tham gia ý kiến vào 148 dự thảo văn bản pháp luật, báo cáo, chương trình, đề án, kế hoạch do do cơ quan Trung ương và các cơ quan chuyên môn tỉnh triển khai. Phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham gia ý kiến bằng văn bản đối với 445 lượt bổ nhiệm, điều động cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; 430 nhân sự đại hội đảng bộ trực thuộc tỉnh theo quy định. Tham gia đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, tập thể cấp ủy, lãnh đạo, quản lý và cá nhân lãnh đạo quản lý các năm từ 2019 - 2022.

Thực hiện nhiệm vụ Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, Ban Nội chính kịp thời tham mưu kiện toàn tổ chức bộ máy, ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo. Tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện 10 cuộc kiểm tra, 1 cuộc giám sát về lĩnh vực cải cách tư pháp.

Với vai trò cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh, Ban đã tham mưu tổ chức các phiên họp của Ban Chỉ đạo, kỳ họp hàng tháng của Thường trực Ban Chỉ đạo bảo đảm chất lượng. Chủ trì, phối hợp tham mưu Thường trực Ban Chỉ đạo tổ chức họp liên ngành các cơ quan tiến hành tố tụng về vụ án có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo tham mưu, theo dõi, đôn đốc 6 vụ án, vụ việc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo chương trình công tác năm.

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, nhiều tập thể, cá nhân của Ban Nội chính Tỉnh ủy đã vinh dự được các cấp khen thưởng như: 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 1 Cờ của Chính phủ; 1 Bằng khen của Ban Nội chính Trung ương; 1 Cờ thi đua của UBND tỉnh...

Để tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, phấn đấu đạt kết quả nổi bật hơn, thời gian tới cán bộ, công chức Ban Nội chính Tỉnh ủy quyết tâm khắc phục khó khăn tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Ban Nội chính Trung ương; trực tiếp thường xuyên là Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trong công tác tham mưu, đề xuất và thực hiện nhiệm vụ, tạo ra những điều kiện, tiền đề vững chắc, phát huy kết quả, thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Hai là, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo định hướng, chỉ đạo của Trung ương. Trong đó tiếp tục tham mưu, thể chế hóa, cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương, định hướng lớn về nội chính, PCTNTC và cải cách tư pháp sát với tình hình thực tế tại địa phương; tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng chủ động nắm chắc, dự báo chính xác tình hình, làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo giải quyết các vấn đề phức tạp xảy ra trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, cải cách tư pháp và PCTNTC tại địa phương, đơn vị.

Ba là, duy trì sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các cấp ủy, tổ chức đảng, các huyện, thị, thành ủy, các cơ quan trong khối nội chính, các sở ban ngành, đoàn thể tỉnh trong công tác nội chính, PCTNTC và cải cách tư pháp; tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện.

Bốn là, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Ban Nội chính tâm huyết, có bản lĩnh, có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai; không ngừng học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ theo hướng chuyên sâu, sáng tạo đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách, nhiều vấn đề mới nảy sinh, phức tạp, nhạy cảm, song Ban Nội chính Tỉnh ủy đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; PCTNTC, bảo đảm an toàn cho sự phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Nội chính Đảng, cán bộ, đảng viên, công chức Ban Nội chính Tỉnh ủy quyết tâm phấn đấu, đoàn kết, trung thành, liêm chính, bản lĩnh, tận tụy, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ và kỳ vọng của Nhân dân.

Bình luận

Tin khác

Back To Top