Cán bộ ''không làm gì'' là vi phạm pháp luật, phải bị xử lý

14:47 - Thứ Năm, 01/06/2023 Lượt xem: 3017 In bài viết

Tiếp tục tranh luận về tình trạng cán bộ ”sợ trách nhiệm” tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 1-6, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cho rằng, cán bộ "không làm gì”, gồm 3 nhóm: "Không biết gì thì không làm được gì, không có lợi thì không làm và biết nhưng sợ không làm”, là vi phạm pháp luật, phải bị xử lý.

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định).

Hành vi "không làm gì” là một hành vi vi phạm pháp luật

Đồng tình với các đại biểu phát biểu trước về tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm nên bỏ bê công việc, không dám làm, đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định) cho rằng, "bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu”; cán bộ sợ sai rồi còn né tránh, đùn đẩy, cái gì thuận lợi thì vơ vào mình, cái gì khó khăn thì đẩy ra cho tổ chức, cho người khác. "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rất rõ về các biểu hiện này tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy (khóa XIII)”, đại biểu nói và cho rằng, cần nghiên cứu kỹ bài phát biểu của Tổng Bí thư để tìm ra giải pháp.

"Một bộ phận cán bộ sợ rằng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mạnh mẽ thì cán bộ nhụt chí, không dám làm, đây là nguyên nhân nhạy cảm nhất mà các đại biểu chưa đề cập”, đại biểu Vũ Trọng Kim nói.

Đại biểu cũng đề nghị các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán phụ trách các đơn vị phải chịu trách nhiệm liên đới về những sai sót của tổ chức, cơ quan, đơn vị được phân công.

"Phạt 3 thẻ vàng cộng lại thành một thẻ đỏ, nếu như cứ phạt thẻ đỏ thì phải đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, nghiêm trọng; còn ít nghiêm trọng chúng ta có cách xử lý khác”, đại biểu nói và cũng đề nghị hết sức tránh "hình sự hóa" các mối quan hệ kinh tế.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau).

Tranh luận với đại biểu Vũ Trọng Kim, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cho rằng, đại biểu chưa chỉ ra được bản chất, nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng này. Theo đại biểu Lê Thanh Vân, hành vi "không làm gì” là một hành vi vi phạm pháp luật, phải bị xử lý.

Theo đại biểu, bộ phận này gồm 3 nhóm: Không biết gì thì không làm được gì; không có lợi thì không làm và biết nhưng sợ không làm. Cả 3 nhóm đó đều không thực hiện nghĩa vụ mà pháp luật trao cho, ở đây là Nhà nước và nhân dân trao cho.

"Vi phạm như vậy thì phải bị xử lý; rất đáng tiếc là các cấp, các ngành thấy được cán bộ không làm gì là vi phạm nhưng không xử lý, mà xử lý thì phải xem xét tính chất, mức độ và hậu quả gây ra. Một người không làm gì nhưng gây ra hậu quả nghiêm trọng thì phải bị xử lý, như bác sĩ không cứu người gây đến hậu quả chết người, một chủ tịch tỉnh không làm gì dẫn đến kinh tế đình trệ, không phát triển, doanh nghiệp và nhân dân gặp khó khăn. Phải xử lý nghiêm khắc các trường hợp này”, đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Ngoài tăng lương cần nghĩ đến giải pháp căn cơ về an sinh

Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn Hà Nội) cho rằng, đề xuất giải pháp tăng lương cán bộ, công chức là chưa căn cơ và giải quyết được gốc vấn đề. "Tăng bao nhiêu cho đủ khi năng suất lao động của chúng ta ở hàng thấp trên thế giới, ngoài tăng lương có thể nghĩ đến các giải pháp căn cơ hơn về mặt an sinh, thu hút nhân lực chất lượng cao như chính sách nhà ở, con cái được học trường tốt, hỗ trợ đi lại bằng giao thông công cộng...”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn Hà Nội).

Bàn về năng suất lao động thấp, đại biểu cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là lỗi hệ thống hơn là lỗi cá nhân khi chưa thiết kế được quy trình làm việc khoa học; nghị định, thông tư, luật định chưa rõ ràng, nhiều cách hiểu dẫn đến cán bộ, công chức không biết đâu mà làm, mạnh dạn làm thì lúc đúng lúc sai nên không hiệu quả, năng suất thấp.

”Tôi cho rằng Chính phủ cũng khó đưa ra được hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì công chức cần làm theo các quy định, không nên sáng tạo ngoài quy định”, đại biểu nói và cho rằng, khi cần có sự thay đổi phải nghiên cứu chín muồi rồi hãy áp dụng.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top