Cần đánh giá chính xác thực trạng doanh nghiệp rời khỏi thị trường

14:56 - Thứ Năm, 01/06/2023 Lượt xem: 3047 In bài viết

Thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, sáng 1-6, đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn Hà Nam) cho rằng, cần phải rà soát, đánh giá chính xác thực trạng doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Bởi chỉ trong 4 tháng đầu năm 2023 đã có 77 nghìn doanh nghiệp rời khỏi thị trường. 

Đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn Hà Nam) thảo luận tại hội trường.

Theo đại biểu, con số này cho thấy một số yếu tố bất thường rất đáng quan tâm về tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Đó là số doanh nghiệp gia nhập thị trường và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tương đương nhau, điều chưa từng thấy.

Số liệu thống kê từ năm 2020 khi Quốc hội sửa Luật Doanh nghiệp đến nay, hằng năm, số doanh nghiệp gia nhập thị trường luôn cao hơn nhiều so với số doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Ngoài ra, số bình quân 19.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng là một mức tăng đột biến nếu so sánh với mức bình quân 11.900 doanh nghiệp năm 2022, 10.000 vào năm 2021... “Điều bất thường là điều này xảy ra ngay từ những tháng đầu năm, thời điểm thông thường doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh đầu tư sản xuất kinh doanh”, đại biểu nêu.

Đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng, trước tình trạng này cần được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, đánh giá, phân tích thấu đáo hơn để nhận diện rõ ràng, chính xác thực trạng của doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Đại biểu nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở lớn, đối mặt với những biến động khó lường, cần nghiên cứu có những chính sách ưu đãi căn cơ hơn nữa về thuế thu nhập, tiền sử dụng đất thay cho những chính sách hỗ trợ mang tính tạm thời, chưa đủ độ, tạo đà phục hồi cho doanh nghiệp.

Thảo luận về tình hình doanh nghiệp, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) cho biết, ở phạm vi toàn cầu, bức tranh kinh tế năm 2023 không tươi sáng, cạnh tranh chiến lược diễn ra gay gắt… Do đó, đại biểu cho rằng, cần phải có những quyết sách quyết liệt hơn, đại biểu Quốc hội sẵn sàng làm thêm giờ, họp thêm các kỳ họp bất thường để phúc đáp các yêu cầu thực tiễn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) thảo luận.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên các giải pháp như tiếp tục giảm phí, thuế cho doanh nghiệp, người dân, nhất trí việc giảm 2% thuế VAT và kéo dài tới năm 2024. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch; cải cách để giảm các thủ tục cho các doanh nghiệp; có phương án giải quyết các phát sinh vấn đề an sinh xã hội…

Đại biểu cũng cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đối với năng suất lao động. Nếu không có giải pháp tổng thể, toàn diện để bảo vệ, duy trì và phát huy lợi thế của nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng thì nước ta sẽ phải đối mặt với hàng loạt hệ lụy về an sinh xã hội trong tương lai; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu và chúng ta sẽ có lỗi với các thế hệ mai sau.

Vì vậy, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành 3 chiến lược: Chiến lược phát triển nguồn nhân lực, Chiến lược phát triển giáo dục, Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức cho giai đoạn 2021-2030.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) thảo luận.

Còn đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, hiện nay "sức khỏe" của các doanh nghiệp chưa tốt, một số vấn đề bất cập về cơ chế chính sách trong kiển khai thực hiện vẫn còn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo thống kê, cả nước hiện có 2,7 triệu lao động đang bị doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội từ 1 tháng trở lên, trong đó, hơn 200.000 người bị treo quyền lợi do doanh nghiệp bị phá sản, giải thể hay chủ bỏ trốn.

Trong giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân kiến nghị Chính phủ xem xét gia hạn phân loại doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đầu vào từ nguồn gỗ rừng trồng; chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top