Lãng phí các nguồn điện tái tạo khi đang trong tình trạng thiếu điện

15:52 - Thứ Năm, 01/06/2023 Lượt xem: 3777 In bài viết

Thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chiều 1-6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, việc thay đổi đột ngột về mặt chính sách đã gây lãng phí các nguồn điện tái tạo khi đang trong tình trạng thiếu điện đang hiển hiện.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng).

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho biết, Nghị quyết số 55-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII) về định hướng ”Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định rất rõ, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa nguồn năng lượng hóa thạch, sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời cho phát điện.

”Đây là định hướng chiến lược cho một giai đoạn phát triển. Trước khi có nghị quyết này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng có nhiều văn bản có tính đột phá về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho phát triển điện gió, điện mặt trời”, đại biểu Nguyễn Văn Hiển nói.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết, gần đây trong các văn bản điều hành, cơ quan chức năng có sự thay đổi đột ngột về mặt chính sách, nhất là các quy định về khung giá điện, nhà máy phát điện, nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp trong thời gian gần đây không những không khuyến khích, ưu đãi, các dự án điện gió, điện mặt trời như Nghị quyết số 55-NQ/TƯ, không ít các quy định còn thắt chặt so với các dự án điện truyền thống, chứa nhiều quy định chưa thật sự hợp lý và tập trung ở 3 văn bản chính của Bộ Công Thương.

Nêu 6 bất cập chính trong 3 văn bản của Bộ Công Thương, đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho biết, các văn bản đã bãi bỏ thời hạn áp dụng giá mua điện trong thời hạn 20 năm; bãi bỏ điều khoản tiền mua điện sang USD; bãi bỏ khoản bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện gió nối lưới với giá mua điện tại thời điểm giao nhận; khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió không phản ánh đúng mối tương quan trong tính toán phương án bán điện hằng năm; nhiều nhà máy điện mặt trời, điện gió lớn đi vào hoạt động nhưng các công trình truyền tải điện không đáp ứng được nhu cầu thực tế; một số quy định không thống nhất, mâu thuẫn với văn bản của cấp trên về điện tái tạo.

Quang cảnh phiên thảo luận chiều 1-6.

Đại biểu cho rằng, việc này làm cho các nhà đầu tư không lường trước được rủi ro và không an tâm trong đầu tư phát triển dự án. “Ước tính hơn 4.600 MW từ các dự án không được khai thác đưa vào sử dụng, trong khi chúng ta đang trong tình trạng thiếu điện và đã, đang phải nhập điện nước ngoài”, đại biểu Nguyễn Văn Hiển thông tin và cho rằng, về trước mắt sẽ khiến nhà đầu tư có nguy cơ phá sản, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, không đạt được mục tiêu về an ninh năng lượng và giảm thải các bon.

Đại biểu Đoàn Lâm Đồng đề nghị, Chính phủ, Bộ Công Thương cần xem xét lại chính sách nêu trên theo hướng việc điều chỉnh chính sách phải có phương án giảm sốc, có lộ trình hợp lý, tránh việc thay đổi chính sách một cách quá đột ngột… Bên cạnh đó, cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tránh thất thoát, lãng phí nguồn năng lượng tái tạo lớn đã được sản xuất nhưng không được đưa vào khai thác, sử dụng; có giải pháp đồng bộ, kịp thời, bảo đảm sự phát triển bền vững cho ngành năng lượng tái tạo.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top