Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5 trực tuyến với các địa phương

14:20 - Thứ Bảy, 03/06/2023 Lượt xem: 3582 In bài viết

Sáng 3/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Theo chương trình phiên họp, Chính phủ sẽ tập trung thảo luận về 6 nội dung chính: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; kết quả triển khai công tác lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; báo cáo tổng hợp kết quả làm việc của các thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc, làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu và kiến nghị, đề xuất theo Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp (Ảnh: TRẦN HẢI)

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chào mừng tân Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh lần đầu tiên tham dự phiên họp Chính phủ.

Các đại biểu tham dự phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 (Ảnh: TRẦN HẢI)

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 được tổ chức trong thời điểm sau thành công của Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung thảo luận, đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội.

Vừa qua, 25 đoàn công tác của các thành viên Chính phủ đã làm việc với các địa phương, cho nên Chính phủ mời lãnh đạo các địa phương tham dự phiên họp để có thêm thông tin, đánh giá về tình hình trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khó khăn, thách thức với cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 được truyền trực tuyến tới trụ sở Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng đề nghị các đại biểu từ thực tiễn chỉ đạo, điều hành, phân tích kỹ những mặt đã làm được, những mặt còn hạn chế, khó khăn, thách thức, nhất là trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sản xuất công nghiệp, phân tích, chỉ ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân khách quan, đề ra giải pháp xử lý, tháo gỡ.

Tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 tiến triển tích cực với nhiều lĩnh vực cải thiện hơn so tháng 4, cụ thể: lạm phát giữ xu hướng giảm dần qua các tháng (tháng 1 tăng 4,89%, tháng 2 tăng 4,31%, tháng 3 tăng 3,35%, tháng 4 tăng 2,81%, tháng 5 tăng 2,43% so cùng kỳ).

Tình hình sản xuất, kinh doanh có nhiều khởi sắc: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 2,2% so tháng 4 và tăng 0,1% so cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,9%; sản xuất nông nghiệp ổn định; xuất khẩu 1 triệu tấn gạo, trị giá 0,53 tỷ USD, tăng 41,1% về lượng và tăng 53,1% về trị giá so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 1,5% so tháng 4 và tăng 11,5% so cùng kỳ; so tháng 4, kim ngạch xuất nhập khẩu 5,3%, xuất khẩu tăng 4,3%, nhập khẩu tăng 6,4%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giảm 22% so tháng 4; vốn FDI đăng ký gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước, đạt gần 2 tỷ USD.

Tính chung 5 tháng, tình hình kinh tế-xã hội có nhiều điểm sáng: lạm phát được kiểm soát; CPI bình quân 5 tháng tăng 3,55% so cùng kỳ năm trước; thu ngân sách nhà nước ước đạt 769,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán; xuất siêu 9,8 tỷ USD; xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn gạo, trị giá gần 2,1 tỷ USD, tăng 40,8% về lượng và tăng 52% về giá trị; an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất được điều chỉnh giảm; ổn định tỷ giá phù hợp diễn biến thị trường; chủ động điều hành chính sách tiền tệ theo hướng: phù hợp, chắc chắn, linh hoạt, chủ động và kịp thời; bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng; thị trường trái phiếu có tín hiệu tích cực, tính đến ngày 19/5/2023, sau 2,5 tháng từ khi ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 25,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 96,7% khối lượng phát hành 5 tháng đầu năm).

Hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều chuyển biến: sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng; năng suất lúa đông xuân ước tăng 1,5 tạ/ha; sản lượng thu hoạch ước đạt 20,2 triệu tấn, tăng 184,6 nghìn tấn; số lượng gia súc, gia cầm chủ yếu tăng so với cùng kỳ; thủy sản đạt trên 3,4 triệu tấn, tăng 1,4% so cùng kỳ.

Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng tăng 12,6% so cùng kỳ năm trước; du lịch phục hồi nhanh, có gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 12,6 lần cùng kỳ, đạt 57,5% kế hoạch năm.

Có 95 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhiều hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (88 nghìn doanh nghiệp); đầu tư được thúc đẩy, giải ngân vốn đầu tư công đến 31/5 đạt trên 157 nghìn tỷ đồng, bằng 22,22% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm 2022 (22,37%), nhưng số tuyệt đối cao hơn 41 nghìn tỷ đồng, từ đó đã đẩy một lượng vốn lớn ra nền kinh tế, hỗ trợ đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực, giải quyết việc làm.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 7,65 tỷ USD, tuy giảm nhẹ 0,8% so cùng kỳ năm 2022, nhưng cao hơn cùng kỳ các năm từ 2019 đến 2021 (lần lượt là 7,3, 6,7 và 7,15 tỷ USD). Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tăng cường; chuyển đổi số được đẩy mạnh, nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia. Sắp xếp, kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian…

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top