Giám sát tốt, tạo niềm tin cho cử tri (bài 2)

10:10 - Chủ Nhật, 04/06/2023 Lượt xem: 4308 In bài viết

Bài 2: Tổ đại biểu HĐND - Cầu nối trực tiếp với cử tri

ĐBP - Để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, các Tổ đại biểu  HĐND luôn đi sâu đi sát cơ sở, gần dân nhất và đó cũng chính là cầu nối trực tiếp cử tri với cơ quan đại diện của  nhân dân. Nhờ gần dân, sát dân nên hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND luôn phát hiện nhiều vấn đề nổi cộm được cử tri quan tâm, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, đáp ứng được mong muốn của người dân. Thông qua đó, Tổ đại biểu HĐND còn nắm chắc quá trình thực hiện pháp luật và Nghị quyết HĐND của các cơ quan, đơn vị hữu quan để có những kiến nghị, đề xuất sâu sắc, xác đáng với HĐND.

Bài 1: Nghe cử tri nói, nói cho cử tri nghe

Đồng chí Lò Văn Phương, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn giám sát HĐND tỉnh trao đổi, tìm hiểu về các chính sách hỗ trợ đối với hộ nuôi ong trên địa bàn xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ.

Kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm 

Tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND; trong đó đã quy định, hướng dẫn khá cụ thể và rõ nét về hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND. 

Khi Nghị quyết 594 ban hành, tháng 11/2022, Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử trên địa bàn huyện Mường Ảng đã tổ chức cuộc giám sát nội dung phản ánh của Báo Điện Biên Phủ qua bài viết: Đừng để HTX Mắc ca “tự bơi”. Đây là cuộc giám sát đầu tiên của Tổ đại biểu HĐND tỉnh kể từ khi Nghị quyết 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Theo đó, ngày 15/10/2023, trên Báo Điện Biên Phủ điện tử có bài báo: Đừng để HTX Mắc ca “tự bơi”, phản ánh về những khó khăn, vướng mắc của các HTX Mắc ca trên địa bàn tỉnh. Trong đó có việc HTX Mắc ca bản Tát Hẹ, xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng) đã nộp đơn xin giải thể HTX do người dân chưa có niềm tin vào tính bền vững của liên kết, những khó khăn bất cập trong hoạt động của HTX. Đến ngày 28/10/2022, Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử trên địa bàn huyện Mường Ảng đã trực tiếp giám sát tại bản Tát Hẹ. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Trung, Phó Chủ tịch HĐND huyện Mường Ảng cho biết: Lúc đầu, bà con bản Tát Hẹ rất muốn thành lập HTX để liên kết thành lập vùng trồng nguyên liệu. Sau khi thành lập xong lại xuất hiện nhiều khó khăn, vướng mắc vì khi xây dựng thành HTX, bà con phải tuân thủ nghiêm theo quy định của pháp luật về thuế, báo cáo thuế thông qua hệ thống… Đồng thời HTX cũng phải có năng lực và trình độ tiếp cận với nền tảng công nghệ cũng như quy định của pháp luật… Cùng với đó là đơn vị triển khai trồng mắc ca trên địa bàn cũng chậm triển khai cấp cây giống nên bà con tự mua cây giống về trồng. Vì vậy, huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động bà con khi xuống giống cần kiểm tra cẩn thận về nguồn cây giống sao cho đảm bảo chất lượng. Về mặt chủ trương, không khuyến khích người dân tự mua giống về trồng nên Tổ đại biểu HĐND cũng đề nghị UBND huyện Mường Ảng quan tâm, phát triển HTX theo định hướng của tỉnh, đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn theo quy định của HTX.

Sự vào cuộc giám sát của tổ đại biểu HĐND đã kịp thời tuyên truyền và giải quyết các vướng mắc cho người dân; đặc biệt là đã giúp cho bà con hiểu hơn về chủ trương phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đề nghị UBND các cấp, sở, ngành quan tâm, hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận, thụ hưởng các chính sách của tỉnh trong phát triển cây mắc ca. 

Ngoài ra, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND, Thường trực HĐND, Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND các cấp đã thực hiện nhiều cuộc giám sát, khảo sát liên quan đến ý kiến, kiến nghị của cử tri, chủ yếu liên quan tới các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, chế độ chính sách, kinh tế, văn hóa, xã hội. Riêng năm 2022, HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh đã tổ chức 07 cuộc giám sát chuyên đề. Thông qua hoạt động giám sát, các đoàn giám sát đã đánh giá kết quả thực hiện của các cấp, các ngành, các đơn vị cơ sở, chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới và trách nhiệm của UBND tỉnh, các cơ quan đơn vị đối với những hạn chế. Đồng thời, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh, các sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố xem xét, giải quyết trên 130 kiến nghị. Thường trực HĐND tỉnh giao các Ban HĐND tỉnh tổ chức 02 cuộc giám sát, giao Ban Kinh tế - Ngân sách chủ trì, phối hợp với các Ban HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh giám sát tiến độ triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; Ban Pháp chế chủ trì, phối hợp với Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại thành phố Điện Biên Phủ giám sát việc giải quyết đơn kiến nghị của công dân; Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại các huyện: Mường Chà, Mường Ảng tổ chức giám sát về các vấn đề nổi cộm, được dư luận và nhân dân quan tâm… 

Khi Báo Điện Biên Phủ phản ánh về những khó khăn, vướng mắc của các HTX mắc ca, Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử trên địa bàn huyện Mường Ảng đã tổ chức cuộc giám sát theo nội dung phản ánh của Báo trên địa bàn huyện Mường Ảng. Trong ảnh: Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử trên địa bàn huyện Mường Ảng làm việc với các thành viên HTX Mắc ca, bản Tát Hẹ, xã Ẳng Nưa.

Đổi mới và linh hoạt

Hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh tiếp tục được đổi mới về nội dung, cách thức triển khai thực hiện góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát và được các cơ quan hữu quan đánh giá cao. Đặc biệt là vai trò giám sát của Tổ đại biểu HĐND ngày càng khẳng định được tầm quan trọng, cầu nối với cử tri. Ngoài Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân đã quy định về hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hướng dẫn khá chi tiết, qua đó nâng cao vai trò, vị thế của Tổ đại biểu HĐND cũng như đại biểu HĐND.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mường Ảng, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Mường Ảng cho biết: Hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND thì trong luật đã có rồi nhưng vừa rồi cụ thể hơn khi có Nghị quyết 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn; đó là cái cẩm nang để đại biểu cũng như Tổ đại biểu HĐND nắm được trình tự rõ ràng hơn. Nếu để HĐND hoặc Thường trực HĐND tham gia giám sát cần phải đợi đến kỳ họp; còn với Tổ đại biểu HĐND khi phát hiện ra bất cập, hạn chế có thể tổ chức giám sát được ngay không phải đợi đến khi thông qua kỳ họp hay xây dựng nội dung giám sát theo lộ trình của cả năm. Thông qua nội dung giám sát tổ đại biểu HĐND sẽ kịp thời nắm bắt được các kết quả và hạn chế, bất cập để làm sao kiến nghị với các cơ quan chức năng, cơ quan thẩm quyền điều chỉnh được ngay; kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan đến tâm tư nguyện vọng của dân một cách sâu sát và hiệu quả hơn; mang tính khả thi cao, gắn với tình hình thực tiễn.

Bà Giàng Thị Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND có nhiều nội dung giám sát thiết thực với yêu cầu cụ thể, hợp lòng dân. Chính vì vậy, căn cứ theo các quy định của pháp luật và mới đây nhất có Nghị quyết 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giúp hoạt động giám sát có sự đổi mới và linh hoạt hơn; tạo ra chuyển biến rõ rệt, đi sát thực tế, gần cơ sở… 

Hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND là kênh thông tin quan trọng để HĐND, Thường trực HĐND các cấp nắm bắt tình hình tại các thôn, bản. Trên cơ sở đó, HĐND có các thông tin hữu ích để bổ sung, đổi mới phương thức, nội dung, chương trình hoạt động của HĐND; đồng thời nhanh chóng giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm từ thực tế, đáp ứng được nhiều kỳ vọng của cử tri và góp phần nâng cao vị thế cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Bài 3: Năng lực làm nên thực quyền

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top