ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

13:58 - Thứ Hai, 05/06/2023 Lượt xem: 4476 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (5/6), kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

ĐBQH Tạ Thị Yên phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ sáng 5/6, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Tham gia phát biểu ý kiến, đồng chí Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh Điện Biên đồng tình với việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường.

Về chính sách nhà ở xã hội, đại biểu đánh giá, dự thảo luật đã quy định tương đối đầy đủ về: đối tượng, hình thức, điều kiện, nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, hình thức phát triển nhà ở xã hội và loại hình dự án và yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội cũng như các ưu đãi cho nhà đầu tư… Đồng thời, dự thảo luật cũng đã quy định khá chi tiết về xác định giá thuê, thuê mua, bán nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng hay do doanh nghiệp đầu tư xây dựng cũng như quản lý vận hành nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang. Đại biểu cho rằng, đây là những sửa đổi, bổ sung mới, rất tích cực.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cần phải có những quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn trong  chính sách nhà ở xã hội để dễ dàng thực thi trong thực tế, nhất là về quy trình, trình tự thủ tục đầu tư, phân phối, cũng như các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật nhà ở xã hội, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội ngay từ khâu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy định bố trí tỷ lệ diện tích đất nhất định (theo quy định của luật hiện hành là 20%) trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội ... 

Về tài chính cho phát triển nhà ở, so với Luật Nhà ở hiện hành, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có một số điểm mới quy định về các nguồn vốn, nguyên tắc huy động, sử dụng nguồn vốn cho phát triển nhà ở, vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển nhà ở xã hội. 

Phó trưởng Ban Công tác đại biểu bày tỏ sự đồng tình với quy định tại Điều 82 của dự thảo luật quy định nhiều cơ chế ưu đãi đối với chủ đầu tư nhà ở xã hội như: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo pháp luật về thuế; được hưởng lợi nhuận định mức; vay vốn ưu đãi; hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu nối hạ tầng chung khu vực có dự án... và Điều 84 về xác định giá bán, giá thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội không do Nhà nước đầu tư xây dựng trên cơ sở tính đủ chi phí của nhà đầu tư và tỷ lệ lợi nhuận hợp lý vào giá bán để thu hồi vốn đầu tư của doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. 

ĐBQH Tráng A Tủa phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ sáng 5/6, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Tuy nhiên, do khả năng đảm bảo quỹ đất, giá cả nguyên vật liệu và nguồn nhân lực cho các dự án nhà ở xã hội ở mỗi địa phương cũng khác nhau do quy mô nền kinh tế và khả năng thu và cân đối ngân sách, do đó, đại biểu ủng hộ việc ghi vào luật tăng quyền chủ động cho địa phương trong hỗ trợ tài chính cho nhà ở xã hội, bởi vì chỉ khi đó đối tượng của nhà ở xã hội mới có thể tiếp cận, hay lựa chọn được nhà ở với diện tích hợp lý, chất lượng xây dựng với giá cả phải chăng. 

Đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị, các doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp tập trung, khu kinh tế dứt khoát phải có các dự án nhà ở xã hội cung cấp chỗ ở cho người lao động với mục đích phi lợi nhuận, thậm chí có thể thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội ở các đô thị có nhiều khu, cụm công nghiệp tập trung quy mô lớn để các doanh nghiệp có nhiều công nhân chưa có chỗ ở thì đóng góp vào quỹ để phát triển nhà ở xã hội cho người lao động.

“Việc Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhà ở xã hội cũng chính là để thực hiện các mục tiêu công bằng, phân phối lại của cải vật chất trong xã hội, thực hiện định hướng thị trường trong nền kinh tế thị trường, hỗ trợ tích cực cho các đối tượng yếu thế, thu nhập thấp trong xã hội, hướng tới mục tiêu ổn định xã hội. Đề nghị khi xây dựng khung, bảng lương, thu nhập cho người lao động làm công ăn lương ở các thành phần kinh tế, công chức, viên chức, cần tính toán đến khả năng mua/thuê mua/thuê nhà ở xã hội” - Đồng chí Phó trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh.

Tham gia phát biểu ý kiến, ĐBQH tỉnh Điện Biên Tráng A Tủa băn khoăn về quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sử hữu nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có nhà ở. Đại biểu đề nghị quy định theo hướng tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở là căn hộ chung cư tại các dự án xây dựng nhà ở thương mại thuộc khu vực được phép sở hữu, không nên quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép mua, sở hữu nhà ở riêng lẻ để đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị quyết 18-NQ/TW  ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Về xử lý đối với trường hợp mua bán nhà ở có thời hạn, dự thảo luật quy định “Khi hết thời hạn sở hữu thì Giấy chứng nhận cấp cho bên mua không còn giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được chuyển lại cho chủ sở hữu nhà ở lần đầu hoặc người thừa kế hợp pháp của chủ sở hữu lần đầu”. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy là chưa chặt chẽ, chưa bao quát được hết các đối tượng vì trong thực tế sẽ có trường hợp mua bán qua nhiều chủ thể khác nhau.

Tin, ảnh: Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top