Điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp, thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

16:19 - Thứ Tư, 07/06/2023 Lượt xem: 4065 In bài viết

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại phiên chất vấn sáng 7/6. (Ảnh: QH)

Sáng 7/6, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, có 120 vị đại biểu Quốc hội đăng kí chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt. Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị người đứng đầu ngành KH&CN nêu rõ về hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập; cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; về trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc thành lập các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo...

Còn vướng mắc về cơ chế, chính sách

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, năm qua, trong số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước, có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng; trong số đó, có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực?

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) đặt câu hỏi: Để phát triển thị trường khoa học, công nghệ, từ năm 2011 đến nay, bộ máy quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ đã được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương, cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan được ban hành. Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030. Mặc dù vậy, thị trường khoa học công nghệ Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao thị trường khoa học công nghệ Việt Nam vẫn chưa phát triển? Trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện giải pháp căn cơ nào để phát triển thị trường khoa học công nghệ?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, cân đối bố trí vốn cho ngành. Dù hoạt động khoa học, công nghệ có nhiều tính đặc thù, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định. Điều quan trọng là cần xác định được kết quả đó trước hết phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân các nhà khoa học, đội ngũ nghiên cứu, đóng góp vào uy tín của các viện nghiên cứu, các trường đại học.

Liên quan việc hỗ trợ hoạt động chuyển giao, hấp thu công nghệ nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, Bộ trưởng cho hay chính sách, cơ chế pháp luật điều chỉnh về vấn đề này đã sẵn có, vấn đề đặt ra là cần áp dụng, triển khai thực hiện sao cho hiệu quả trong thực tiễn.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua, nhiều công nghệ mới tiên tiến đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả trong các ngành y tế, viễn thông, giao thông. Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, vẫn còn vướng mắc khi cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy, khó tiếp cận với các doanh nghiệp, các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ kém, chưa hiệu quả. Nguồn lực từ ngân sách, doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động này còn khiêm tốn, cơ sở hạ tầng hạn chế.

Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam.

 Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đặt câu hỏi tại phiên chất vấn sáng 7/6. (Ảnh: QH)

Hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố lớn

Tiếp tục phiên chất vấn, đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Thành phố Đà Nẵng) đặt vấn đề về trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc thành lập các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo?

Trả lời đại biểu đoàn Thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, Bộ đã xây dựng, hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2023 sẽ ban hành các quyết định thành lập 3 trung tâm này. Các trung tâm được lập với mục tiêu khai thác nguồn lực địa phương dành cho đổi mới sáng tạo, hướng tới áp dụng mô hình thử nghiệm chính sách trong các lĩnh vực mới chưa có quy định, nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo, làm cơ sở để đúc kết kinh nghiệm, nhân rộng hoặc điều chỉnh kịp thời các chính sách, mô hình triển khai trên phạm vi quốc gia. “Bên cạnh đó, quy định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ đã được ban hành, nên việc ban hành các quyết định thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo là có cơ sở để thực hiện và các cơ sở này sẽ sớm đi vào vận hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng cho hay.

Tiếp tục đặt câu hỏi về việc thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Thành phố Đà Nẵng) cho biết, Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị có chủ trương thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 50 ngày 17/4/2020 về việc thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, sau Nghị quyết của Bộ Chính trị, gần 4 năm, qua nhiều lần làm việc trực tiếp và trao đổi bằng văn bản giữa Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia ở Đà Nẵng vẫn chưa ra đời. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết vì sao các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ chậm được triển khai như vậy; trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc này như thế nào và Bộ trưởng có cam kết gì để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng trên?

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Chí Cường, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhận trách nhiệm về sự chậm trễ như đại biểu nêu. “Mong các đại biểu Quốc hội chia sẻ vì đây là vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ, phải có thời gian nghiên cứu cẩn trọng, cần cân nhắc, đảm bảo đúng quy định và hiệu quả”, Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, dự kiến cuối tháng 6/2023, Bộ sẽ làm việc với thành phố Đà Nẵng, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh về việc hình thành các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top