Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng:

Nỗ lực tháo gỡ vướng mắc trong đăng kiểm, phục vụ người dân và doanh nghiệp

21:42 - Thứ Tư, 07/06/2023 Lượt xem: 3333 In bài viết

Cho rằng những vụ việc xảy ra trong hoạt động đăng kiểm vừa qua là hết sức nghiêm trọng, gây hệ lụy lớn cho doanh nghiệp và người dân, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để tập trung tháo gỡ, khôi phục hoạt động đăng kiểm, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Tiết kiệm thời gian đăng kiểm cho hơn 1 triệu lượt xe

Chiều 7/6, trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, những vụ việc xảy ra trong hoạt động đăng kiểm vừa qua hết sức nghiêm trọng, gây hệ lụy lớn khi doanh nghiệp, người dân phải chờ đợi, vất vả trong hoạt động đăng kiểm, “đi ngược, đi xuôi” mà không đăng kiểm được.

Bộ trưởng cho biết, có tới 600 lãnh đạo Cục Đăng kiểm, cán bộ, công chức, viên chức, đăng kiểm viên bị khởi tố; trong 281 đơn vị đăng kiểm thì có tới 106 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Bộ trưởng nêu rõ, vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để tập trung tháo gỡ, khôi phục hoạt động đăng kiểm phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng cho biết, ngay từ khi nhận công tác, Bộ trưởng đã có nỗ lực nghiên cứu, điều chỉnh lại các quy định đăng kiểm cho phù hợp với thông lệ quốc tế, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân.

Bộ Giao thông vận tải hiện đang triển khai khắc phục, khôi phục hoạt động của các trung tâm đăng kiểm, đồng thời rà soát lại toàn bộ hoạt động đăng kiểm để bảo đảm yêu cầu hiện đại, thông thoáng, chặt chẽ.

Bộ cũng đã ban hành Thông tư 02, trong đó đề cập đến việc miễn đăng kiểm lần đầu, giãn chu kỳ đăng kiểm để phù hợp với các quy định của các nước trong khu vực, nhằm giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, vừa qua Bộ cũng tiếp tục sửa đổi Thông tư 16, ban hành Thông tư 08 để điều chỉnh khi giãn chu kỳ đăng kiểm thì không cần thiết phải khám xe rồi mới cấp tem kiểm định. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, việc làm này đã tiết kiệm được thời gian cho 1.390.000 xe.

Quang cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Để khôi phục hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường, Bộ trưởng nêu rõ cần điều chỉnh cơ chế tài chính. Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Bộ Tài chính đưa vào dự thảo Luật Giá (sửa đổi) để loại bỏ giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá Nhà nước quản lý, để thị trường quyết định, bảo đảm thu nhập cho các đăng kiểm viên.

Bộ cũng đang tập trung tuyển dụng, đào tạo cán bộ đăng kiểm để có đủ lực lượng bố trí trở lại tất cả các trung tâm đăng kiểm, nhằm giúp tất cả dây chuyền đăng kiểm trở lại hoạt động bình thường khi có đủ nhân lực.

Cùng với việc giãn điều chỉnh các kỳ đăng kiểm, Bộ cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu tối đa việc kiểm định thủ công, đồng thời thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm qua mạng, thanh toán chuyển khoản.

Chỉ còn 2 tỉnh chưa mở lại trung tâm đăng kiểm

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trao đổi với các đại biểu bên lề phiên chất vấn. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Cũng liên quan đến hoạt động đăng kiểm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, đến thời điểm này chỉ còn Trung tâm đăng kiểm ở 2 tỉnh Hòa Bình và Bắc Kạn chưa trở lại hoạt động do thiếu cán bộ, đăng kiểm viên.

Bộ trưởng đã trực tiếp làm việc với địa phương và Bộ đã trực tiếp đào tạo nhân lực do địa phương giới thiệu để thi tuyển, cấp chứng chỉ để có thể giữ chức vụ lãnh đạo của Trung tâm đăng kiểm.

Về đăng kiểm viên, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp Sở Giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình chuẩn bị đầy đủ, dự kiến sẽ sớm mở lại Trung tâm đăng kiểm này.

Trả lời ý kiến của đại biểu liên quan đến trách nhiệm của Bộ về vấn đề thiếu cán bộ đăng kiểm, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, các vụ việc đăng kiểm xảy ra là hết sức đáng tiếc khi chỉ có tổng số hơn 2.000 đăng kiểm viên mà đã mất tới gần 1/3, còn để tuyển dụng được 1 đăng kiểm viên mất rất nhiều thời gian, đào tạo, tuyển dụng trải qua rất nhiều bước để cấp chứng chỉ, nếu đúng theo quy trình có thể mất cả năm.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Khẳng định đây là một vấn đề tồn tại nên khi các vụ việc đăng kiểm xảy ra, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hỗ trợ cử lực lượng đăng kiểm của 2 Bộ sang.

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng phải huy động đăng kiểm viên ở tất cả các trung tâm đăng kiểm trong toàn quốc về các trung tâm đăng kiểm đang thiếu hụt để hỗ trợ, thậm chí còn phải mời gọi cả những đăng kiểm viên mới nghỉ hưu nhưng còn đủ sức khỏe để quay lại làm việc, làm việc ngoài giờ, không kể ngày nghỉ, kể cả lễ Tết.

Bộ trưởng cho biết, đây là một trường hợp bất khả kháng và trong quá trình vừa qua đã chỉ đạo rất quyết liệt việc này. Hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã tuyển dụng và chuẩn bị được nguồn nhân lực khoảng 350 đăng kiểm viên.

Theo Bộ trưởng, sắp tới Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại Nghị định 139 quy định về hoạt động đăng kiểm để có cơ chế điều chỉnh lại, không nhất thiết 1 dây chuyền đăng kiểm phải có tới 3 đăng kiểm viên, như vậy sẽ tận dụng được thêm một số đăng kiểm viên phục vụ cho công tác đăng kiểm trong thời gian tới.

“Tôi cũng xin cam kết với các đại biểu Quốc hội là chỉ trong vòng hết tháng 6 này và chậm nhất không quá đầu tháng 7, thực ra bây giờ đã hoạt động trở lại bình thường rồi, nhưng chắc chắn các trung tâm đăng kiểm sẽ hoạt động trở lại bình thường”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ.

Xử lý dứt điểm vướng mắc liên quan các dự án BOT

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nêu vấn đề liên quan nhiều dự án BOT trên cả nước vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, thí dụ như Trạm thu phí Bắc Thăng Long-Nội Bài ngay cửa ngõ Thủ đô vẫn chưa được dỡ bỏ, dù Nghị quyết 62 của Quốc hội khóa XV đã ghi rõ "trong năm 2022 giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT".

Thực tiễn liên quan đến các trạm thu phí, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, vấn đề này trong thời gian vừa qua đã triển khai nhưng vướng mắc rất nhiều, đặc biệt liên quan đến những hợp đồng ký kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với các nhà đầu tư.

Cho biết có trạm đã xử lý được, có trạm cần tiếp tục đàm phán, Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ phấn đấu đạt mục tiêu đề ra, theo đó không chỉ đàm phán với nhà đầu tư mà còn đàm phán với các bên liên quan…

Do là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng cho biết, Bộ Giao thông vận tải đã làm theo quy trình, và làm hết sức mình tháo gỡ triệt để, bảo vệ nhà đầu tư đầu tư dự án BOT, nhưng do điều kiện khách quan bị ảnh hưởng quyền lợi. Tất cả căn cứ vào hợp đồng để xử lý mà không phải có đặc quyền, đặc lợi cho nhà đầu tư, Bộ trưởng nêu rõ.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh) liên quan đến dự án PPP sau đó phải chuyển sang đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ đây cũng là trăn trở của cá nhân Bộ trưởng và của Bộ Giao thông vận tải khi đến nay chưa kêu gọi được nhiều doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP.

Nhấn mạnh nhu cầu đầu tư hạ tầng chỉ tính riêng trong giai đoạn 2021-2025 cần 462 nghìn tỷ đồng, song thực tế đến nay mới chỉ bố trí được 66%, Bộ trưởng cho rằng rất cần những nguồn vốn xã hội hóa để tham gia vào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Bộ trưởng cho rằng cần phải có các giải pháp đồng bộ trong vấn đề này, trong đó cần tạo được niềm tin của doanh nghiệp thông qua xem xét điều chỉnh phù hợp, hoàn thiện cơ chế chính sách, bảo đảm tính ổn định của chính sách, bên cạnh đó cần tháo gỡ các vấn đề liên quan đến ngân hàng, vốn vay…

Theo Bộ trưởng, 1 dự án BOT thường thời gian từ khoảng 15-35 năm, bình quân khoảng 20 năm, nhưng quy định của ngân hàng chỉ cho vay tối đa 10-12 năm.

“Trước đây khi kinh tế tốt, sức khỏe doanh nghiệp tốt thì doanh nghiệp lấy các nguồn doanh thu để bù vào, nhưng bây giờ kinh tế khó khăn, vòng đời của dự án là 20 năm mà lại chỉ cho vay 10-12 năm thì không thể làm được”, Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến, mời gọi đầu tư các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề huy động các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top