Có giải pháp khắc phục kịp thời những chỉ tiêu, chỉ số PCI bị giảm điểm, giảm thứ hạng

12:42 - Thứ Năm, 08/06/2023 Lượt xem: 4776 In bài viết

ĐBP - Đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh uỷ Trần Quốc Cường tại Hội nghị phân tích, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và công bố kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI) năm 2022 được UBND tỉnh tổ chức sáng nay (8/6). Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 10 huyện, thị, thành phố. Dự tại điểm cầu UBND tỉnh có các đồng chí: Trần Quốc Cường, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Lò Văn Phương, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Đồng chí Trần Quốc Cường, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Theo kết quả công bố PCI năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ số PCI của tỉnh Điện Biên đạt 59,85 điểm, giảm 2,01 điểm, giảm 9 bậc so với năm 2021 và xếp thứ 62 trên bảng xếp hạng toàn quốc. Qua phân tích, đánh giá 142 tiêu chí thuộc 10 chỉ số thành phần năm 2022, Điện Biên có 68/142 tiêu chí tăng điểm, trong đó có 39 chỉ số tăng điểm và xếp hạng; 74/142 tiêu chí bị giảm điểm, trong đó 54 tiêu chí giảm cả về điểm và xếp hạng.

Đối với kết quả xếp hạng DDCI, Sở Công thương đứng đầu các sở, ban, ngành với 85,08 điểm; vị trí cuối là Thanh tra tỉnh với 34,51 điểm; thị xã Mường Lay đứng đầu khối địa phương với 85,06 điểm, xếp vị trí cuối là huyện Tuần Giáo với 30,48 điểm.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.

Hội nghị đã tập trung thảo luận các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số PCI, DDCI; thúc đẩy chuyển đổi số, quản lý đô thị thông minh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh mong muốn các sở, ngành, địa phương, UBND tỉnh quan tâm hơn nữa đến công tác cải cách thủ tục hành chính; đánh giá thực chất, thẳng thắn chỉ ra những mặt mạnh, mặt yếu, những điểm chưa được trong việc thu hút đầu tư của các sở, ngành địa phương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư; UBND tỉnh cần quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, có thời gian trao đổi, gặp gỡ các nhà đầu tư nhiều hơn.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường đề nghị để cải thiện chỉ số PCI, DDCI năm 2023, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương cần tập trung triển khai 7 nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm: UBND tỉnh tập trung chỉ đạo cải thiện mạnh mẽ, vượt bậc 4 chỉ số giảm điểm và giảm hạng (Tính minh bạch và Tiếp cận thông tin; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng và Đào tạo lao động). Tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao phụ trách các chỉ tiêu trong chỉ số thành phần; chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu để có giải pháp khắc phục kịp thời những chỉ tiêu, chỉ số thành phần bị giảm điểm, giảm thứ hạng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát và đơn giản hóa thủ tục hành chính cho phù hợp với quy định, rút ngắn thời gian giải quyết. Tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, công bằng trong tiếp cận các nguồn lực giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục đồng hành với tỉnh trong phát triển kinh tế-xã hội.

Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô yêu cầu các địa phương, sở, ngành tiếp tục tập trung cải cách, đổi mới hoàn thiện thể chế, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Từng cấp từng ngành, địa phương cần xây dựng, ban hành kế hoạch hành động, có các giải pháp cụ thể, sát với thực tế để cải thiện mạnh mẽ, nhanh, bền vững, hiệu lực hiệu quả các chỉ số đánh giá về môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đặc biệt là những chỉ số, trọng số có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.

Tin, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top