Phát huy vai trò của HĐND tỉnh trong xây dựng và phát triển tỉnh Điện Biên

08:29 - Thứ Sáu, 09/06/2023 Lượt xem: 4498 In bài viết

Trần Quốc Cường               

 Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

ĐBP - Trải qua 60 năm trưởng thành kể từ cuộc bầu cử đầu tiên đến nay, HĐND tỉnh Điện Biên đã không ngừng hoàn thiện về tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động; phát huy vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, vai trò cơ quan đại biểu của Nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền lực của Nhân dân các dân tộc, thay mặt cử tri quyết định các vấn đề quan trọng của tỉnh; giám sát đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền; tổ chức thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị của tỉnh qua các thời kỳ.

Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra tiến độ Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên. Ảnh: Mai Giáp

Ngay sau khi tái lập tỉnh theo Quyết nghị của Quốc hội khóa II, ngày 9/6/1963 dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu (nay là hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu) đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu HĐND tỉnh khóa I với 97,7% cử tri đi bầu và lựa chọn được 59 đại biểu tiêu biểu cho các tầng lớp nhân dân các dân tộc tham gia HĐND tỉnh. Tổ chức của HĐND tỉnh khóa I gồm có đại biểu HĐND và Ủy ban Hành chính, đến khóa XV hiện nay đã được kiện toàn có Thường trực HĐND, UBND, các ban HĐND và đại biểu HĐND. Qua các nhiệm kỳ, HĐND tỉnh đã không ngừng nâng cao năng lực đại biểu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đổi mới phương thức hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Điện Biên.

Trong giai đoạn đất nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam, tỉnh Lai Châu mới tái lập còn rất nhiều khó khăn nhưng HĐND tỉnh đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng về kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, về ngân sách, về bảo đảm quốc phòng - an ninh; đồng thời, ban hành nhiều nghị quyết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cả nước và của tỉnh. Kết quả thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh ngày càng được nâng cao và tạo nhiều dấu ấn quan trọng: Năm 1975, các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh có nhiều tiến bộ, tổng giá trị sản lượng nông nghiệp tăng 27,48% so với năm 1965, tổng chiều dài đường ô tô tăng 25% so với năm 1970, số học sinh các cấp tăng 13,6% so với năm 1974...

Trong chiến tranh bảo vệ biên giới, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác quân sự địa phương trước tình hình nhiệm vụ mới, HĐND tỉnh đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng, phù hợp yêu cầu, điều kiện thực tiễn của địa phương, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, vừa động viên nhân dân hăng hái tham gia, phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh nhà đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng lãnh đạo, khắc phục tình trạng kinh tế - xã hội chậm phát triển của địa phương, HĐND tỉnh tiếp tục phát huy vai trò đại diện cho Nhân dân, ban hành quyết định đột phá trong phân phối lưu thông, xóa bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; thông qua mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, bảo đảm quốc phòng - an ninh 5 năm và hàng năm, là cơ sở để UBND tỉnh triển khai, thực hiện mang lại những kết quả quan trọng. Đồng thời, HĐND tỉnh đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề trọng yếu, cấp bách; ban hành nhiều chính sách cụ thể, thiết thực đối với đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2004 đến nay, sau gần 20 năm chia tách, thành lập mới tỉnh Điện Biên, HĐND tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Các quyết sách của HĐND tỉnh ngày càng sát với yêu cầu, điều kiện thực tiễn và đáp ứng được nguyện vọng của cử tri; do đó, được cử tri, nhân dân đồng thuận, ủng hộ thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, HĐND tỉnh không ngừng tăng cường công tác giám sát, bảo đảm việc thực hiện nghiêm chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND trong thực tế cuộc sống, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả tiêu biểu: Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người trong tỉnh tăng gần gấp đôi so với năm 2013, kinh tế tăng trưởng khá, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, chính sách an sinh xã hội được quan tâm, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Có thể khẳng định, trải qua 60 năm hình thành và phát triển, HĐND tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, không ngừng xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ; chất lượng đại biểu HĐND tỉnh được nâng lên, hoạt động của HĐND tỉnh đi vào thực chất, đúng vị trí, chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Những thành tựu nổi bật, toàn diện đạt được của HĐND tỉnh đã đóng góp tích cực vào hoạt động của chính quyền địa phương, tạo nền tảng vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Điện Biên suốt thời gian qua.

Trong không khí thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, quyết tâm xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển nhanh và bền vững, tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của Nhân dân, HĐND tỉnh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Một là, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh. Tăng cường sự lãnh đạo thường xuyên, sâu sát của Đảng đoàn HĐND tỉnh theo phân cấp; phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên là đại biểu HĐND tỉnh. Đảng đoàn HĐND tỉnh bám sát các quy định của pháp luật, văn bản của Trung ương, sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của HĐND trong hệ thống chính trị; bảo đảm thực hiện nguyên tắc “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân”; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, góp phần triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Ba là, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thành nghị quyết của HĐND tỉnh và tổ chức triển khai hiệu quả trong thực tiễn, đặc biệt là Chương trình số 03-CTrHĐ/TU, ngày 4/1/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bốn là, đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND tỉnh theo phương châm “Phát huy dân chủ, trí tuệ, đúng chức năng, nhiệm vụ”, bảo đảm theo quy định của pháp luật; kịp thời, linh hoạt trong tổ chức kỳ họp chuyên đề, kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành của UBND tỉnh để thực hiện ngày càng có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh địa phương.

Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giám sát của HĐND tỉnh. Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu hoặc phê chuẩn bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai và thực chất theo đúng Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đổi mới hoạt động giám sát thường xuyên; tổ chức giám sát chuyên đề có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực được nhiều cử tri quan tâm, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của địa phương. Kịp thời phát hiện những hạn chế, vướng mắc cần khắc phục trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị tại địa phương.

Sáu là, đổi mới nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Quan tâm và nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Bình luận

Tin khác

Back To Top