Ký ức lần đầu bầu cử HĐND tỉnh

08:51 - Thứ Sáu, 09/06/2023 Lượt xem: 5122 In bài viết

ĐBP - Ngược thời gian về ngày 27/10/1962, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa II, quyết định tái lập tỉnh Lai Châu (nay là Lai Châu và Điện Biên). Sau khi tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lâm thời, ngày 9/6/1963, Lai Châu tiến hành bầu cử HĐND tỉnh khóa I, đánh dấu sự ra đời của cơ quan dân cử tại địa phương. 60 năm đã trôi qua, ký ức lần đầu tiên cầm lá phiếu, bầu ra người tài đức, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tỉnh nhà, vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí nhiều người.

Ông Lò Văn Sinh và Lò Văn Inh chia sẻ về ký ức lần đầu đi bầu cử HĐND tỉnh.

Thời điểm ấy, ông Lò Văn Sinh, hiện đang sinh sống tại khối Huổi Củ, thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo) vừa sang tuổi 21. Ông cùng các thành viên trong gia đình diện bộ quần áo đẹp nhất, có mặt tại điểm bỏ phiếu khi ấy đặt tại bản Chiềng Chung từ 7 giờ sáng. Ông Sinh kể lại: “Tôi vẫn nhớ cảm xúc sáng hôm ấy, hồi hộp lắm vì là lần đầu tiên được cầm lá phiếu bầu đại biểu HĐND tỉnh trên tay. Ai cũng đến sớm, xếp hàng dài. Không khí rộn ràng khắp các ngõ xóm, mọi người đi bầu cử như ngày hội, đánh trống chiêng tưng bừng, rồi khu dân cư còn mổ trâu bò ăn mừng sau khi kết thúc”.

Ông Lò Văn Inh cùng bản cũng xếp hàng từ sớm chờ đến lượt bỏ phiếu. Khi ấy ông Inh là cán bộ lực lượng vũ trang nhân dân. Ông chia sẻ: “Dù khi ấy còn nhiều khó khăn nhưng ai nấy đều rất vui mừng, vinh dự, phấn khởi lắm. Trước khi đi, mọi người trò chuyện, bàn luận cùng nhau xem cá nhân nào làm được việc, có tài có đức để bầu chọn. Thời điểm năm 1963, rất nhiều người dân chưa biết chữ, vì thế để mọi đối tượng đều tham gia bình đẳng thì ngoài đọc, gạch tên còn thực hiện bầu bằng hình thức chấm theo màu. Các cán bộ thông tin rõ cho người dân danh sách đại biểu, mỗi người có 1 màu sắc tượng trưng. Họ đánh dấu vào ô màu tương ứng với người mình tín nhiệm, chọn lựa”.

Ở các địa bàn, không khí ngày bầu cử đều rộn ràng như thế. Nhà nhà, người người không kể là người dân tộc Thái, Mông, Kinh hay Khơ Mú... đều thể hiện truyền thống đoàn kết, trách nhiệm bầu chọn cho được người đại biểu xứng đáng của nhân dân.

Thời điểm ấy, ông Đỗ Cao Trầm (hiện sinh sống đội 10, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) mới tốt nghiệp đại học ngành Lâm nghiệp, từ Thái Bình được phân công lên công tác tại Ty Nông nghiệp tỉnh Lai Châu đầu năm 1963. Tuổi trẻ, làm quen với Lai Châu chưa lâu, lần đầu được tham gia bầu cử HĐND tỉnh là niềm vinh dự, xốn xang mà ông mãi ghi nhớ.

Ông Trầm nhớ lại: “Lúc ấy anh em chúng tôi đều mới ra trường, được đi bầu cử thì sung sướng, phấn khởi lắm, vì thấy mình được làm chủ đất nước. Và thấy được ở một tỉnh, xa xôi, hẻo lánh như thế này mà Đảng, Nhà nước trao quyền bầu cử cho nhân dân, trong đó có mình. Trước khi bầu, chúng tôi được tham gia học tập một số điều, vấn đề về bầu cử, tìm hiểu tiểu sử các ứng cử viên để chọn người xứng đáng. Sáng hôm bỏ phiếu, anh em dậy sớm để di chuyển. Khi ấy điểm bầu cử đặt tại khu vực Đồi Cao (phường Sông Đà, TX. Mường Lay ngày nay), còn chúng tôi ở, làm việc bên kia sông Đà, khu nhà cũ Đèo Văn Long. Phải đi qua sông bằng đò - thuyền độc mộc, nước chảy xiết, xoáy rất nguy hiểm. Đến nơi thì xếp hàng, có người chỉ dẫn bỏ phiếu. Khi ấy không đông, không nhiều hòm phiếu như bây giờ. Xong thì anh em ở lại vui chơi rồi mới trở về bên kia”.

Lần đầu tiên dù diễn ra trong hoàn cảnh nhiều thiếu thốn, khó khăn, phục hồi sau chiến tranh, nhưng kỳ bầu cử HĐND tỉnh khóa I (1963 - 1965) đã diễn ra thành công. Cử tri đã chọn ra được 59 đại biểu của 18 dân tộc; trong đó đại biểu dân tộc Thái 33,9%, dân tộc Mông 25,42%, dân tộc Kinh 5,1%, cùng các dân tộc khác. Trình độ văn hóa cấp I là 72,4%, cấp II 24,2 %, đại biểu chưa biết chữ 3,4%... HĐND tỉnh khóa I đã tiến hành 5 kỳ họp thường xuyên, đề ra các nghị quyết cần thiết, sát thực, tạo nên khối đại đoàn kết các dân tộc, cụ thể hóa nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như: Nghị quyết về công tác xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa; Nghị quyết về công tác chăm sóc, bảo vệ gia súc; nghị quyết về ủng hộ đồng bào miền Nam đấu tranh chống đế quốc và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Kể từ những ngày đầu đi vào hoạt động đến nay, HĐND tỉnh đã trải qua 60 năm với 15 khóa. Trong suốt chặng đường đó, bám sát các quy định của pháp luật, HĐND tỉnh đã không ngừng hoàn thiện về tổ chức, kiện toàn các cơ quan, nâng cao chất lượng đại biểu HĐND, luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động; thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân...

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top