UBND tỉnh phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh

09:04 - Thứ Sáu, 09/06/2023 Lượt xem: 4483 In bài viết

Lê Thành Đô                         

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên

ĐBP - Những ngày này, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đang hướng về Kỷ niệm 60 năm Ngày Bầu cử HĐND tỉnh Lai Châu - khóa I nay là tỉnh Điện Biên (9/6/1963 - 9/6/2023). Trong 60 năm qua công tác phối hợp giữa UBND tỉnh với Thường trực HĐND tỉnh đã góp phần quan trọng đưa tỉnh Lai Châu trước đây và tỉnh Điện Biên ngày nay không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành kiểm tra thực địa tiến độ thi công Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên.

Ngày 24/12/1962, Hội đồng Nhà nước nay là Chính phủ đã ban hành Quyết định số 213/CP phê chuẩn về việc thành lập Ủy ban hành chính lâm thời tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu). Cuộc bầu cử HĐND tỉnh Lai Châu đầu tiên được tổ chức vào ngày 9/6/1963, cử tri toàn tỉnh đi bỏ phiếu, thể hiện sự hưởng ứng và tin tưởng của đông đảo các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh, là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tích cực lao động, học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, giới thiệu cho tổ chức các đại biểu là đại diện tiêu biểu của dân tộc mình tham gia đại biểu HĐND các cấp, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề quan trọng về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Trong thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, để thích ứng với hoàn cảnh, UBND tỉnh đã thường xuyên chủ động chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương nghiên cứu xây dựng, báo cáo xin chủ trương của Tỉnh ủy trước khi phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh ngoài sản xuất lương thực, thực phẩm còn xung phong tham gia vào các mặt trận chiến trường chống quân xâm lược; lực lượng vũ trang Lai Châu đã phối hợp với lực lượng vũ trang Lào đánh 71 trận, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên địch, thu 400 khẩu súng các loại và nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng khác; nhân dân các dân tộc Lai Châu - Điện Biên đã giúp bạn gần 20 vạn ngày công phục vụ chiến đấu và sản xuất...

Sau khi đất nước thống nhất, đời sống kinh tế - xã hội trong nước và trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Đến năm 1986, Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, phá bỏ những rào cản của cơ chế quan liêu bao cấp, mở đường cho kinh tế phát triển, xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, đổi mới nền hành chính. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh thường xuyên giữ mối liên hệ và kịp thời phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh để cùng thống nhất trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh sau kỳ họp theo quy định.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, tỉnh Lai Châu và tỉnh Điện Biên được chia tách, thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2004, cùng với việc tổ chức thực hiện Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 và được sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã quy định rõ hơn về thẩm quyền của HĐND, Thường trực HĐND, UBND tỉnh. Từ đó, công tác phối hợp giữa các bên được thực hiện tốt hơn, nhất là công tác phối hợp để ban hành các chính sách, chương trình, đề án, dự án… liên quan đến xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội tại địa phương.

Hiện nay, trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong quá trình chỉ đạo điều hành, nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi các nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra, UBND tỉnh đã thường xuyên giữ mối liên hệ và kịp thời phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh để cùng giải quyết các vấn đề phát sinh sau kỳ họp theo quy định. Việc phối hợp chuẩn bị tổ chức các kỳ họp luôn được bàn bạc, trao đổi thống nhất về thời gian, chương trình, nội dung và thông qua Đảng đoàn HĐND để xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy; do đó, khi đưa các nội dung ra các kỳ họp HĐND tỉnh đều nhận được sự đồng thuận và thống nhất cao của đại biểu.

Đối với các phiên họp của UBND tỉnh, trong công tác chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh, UBND tỉnh đã mời Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh dự và tham gia ý kiến cụ thể như: Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ban hành các chính sách mới; Công tác quản lý điều hành ngân sách; triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công...

Từ công tác phối hợp chặt chẽ có hiệu quả và trên cơ sở các nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo điều hành, cụ thể hoá bằng các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án để tổ chức triển khai thực hiện toàn diện trên các lĩnh vực, duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển cao theo từng giai đoạn.

Điển hình giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh đạt 6,8%/năm. Hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn từng bước được khai thác, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 341 triệu USD, tăng gấp 2,3 lần giai đoạn 2011-2015; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm đạt khoảng 50 ngàn  tỷ đồng, nhịp độ tăng trưởng đạt 13,1%/năm; tỷ lệ vốn đầu tư so với GRDP đạt 56,3%.

Năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực. GRDP tăng 10,19%, cao hơn mức tăng chung của cả nước là 8,02%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 21,9%. Quý I/2023, tình hình kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều điểm sáng tích cực. GRDP tăng 6,7%, xếp thứ 3/8 tỉnh vùng Tây Bắc, xếp thứ 5/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, cao hơn mức bình quân chung cả nước là 3,32%. Du lịch, dịch vụ phục hồi tốt; Chỉ số cải cách hành chính, tăng 2 bậc so với năm 2021; công tác chuyển đổi số được thúc đẩy và có nhiều đột phá. An ninh chính trị trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được đảm bảo.

Hướng về kỷ niệm 60 năm cuộc bầu cử đầu tiên và lập thành tích chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (5/1954 - 5/2024), Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Điện Biên đã và đang dành những nỗ lực cao nhất, quyết tâm lớn nhất cho các chương trình, dự án xây dựng trọng điểm, tạo ra một diện mạo mới Điện Biên trong phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng - an ninh. 60 năm với biết bao thăng trầm, đội ngũ cán bộ lãnh đạo và các đồng chí Ủy viên UBND và Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên qua mỗi thời kỳ đều được ghi nhận về những công lao, đóng góp của mình. Những công lao ấy đã góp phần không nhỏ đưa Điện Biên ngày càng phát triển nhanh và bền vững.

Bình luận

Tin khác

Back To Top