Làm tốt công tác phối hợp trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội

09:56 - Thứ Sáu, 09/06/2023 Lượt xem: 4162 In bài viết

                 Lò Văn Mừng

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh

ĐBP - Giám sát và phản biện xã hội (GSPBXH) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam.

Đồng chí Lò Văn Mừng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quyết định ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên của Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên.

Những năm qua, vai trò GSPBXH của MTTQ Việt Nam các cấp đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền, các tổ chức thành viên, các ban ngành liên quan, trong đó có vai trò phối hợp quan trọng của  Thường trực HĐND tỉnh, qua đó tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh thực hiện tốt vai trò tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; kịp thời phát hiện những tồn tại. khuyết điểm, hạn chế và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp với thực tiễn.

Ngay sau khi Thông tư 337/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được ban hành và có hiệu lực, HĐND tỉnh Điện Biên đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 79/2017/NQ-HĐND ngày 09/12/2017 quy định nội dung chi, mức chi bảo đảm cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Đây là cơ sở quan trọng đảm bảo cho hoạt động GSPBXH của MTTQ Việt Nam các cấp đạt hiệu quả.

Hàng năm Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trên cơ sở dư luận xã hội, phản ánh kiến nghị của Mặt trận các cấp và các tầng lớp Nhân dân đã đề xuất các nội dung giám sát gửi Thường trực HĐND xem xét lựa chọn để đưa vào chương trình giám sát. Từ năm 2016 tới nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã đề xuất 9 nội dung gửi Thường trực HĐND tỉnh. Cử cán bộ có trình độ, năng lực tham gia 59 cuộc giám sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh, tham gia nhiều ý kiến đóng góp và được ghi nhận trong quá trình giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát của HĐND tỉnh. Phối hợp với HĐND nắm bắt, tập hợp những nội dung cử tri quan tâm nhất, còn nhiều khó khăn, bức xúc nhất để phản ánh thông qua thông báo của MTTQ Việt Nam tỉnh hoặc chất vấn tại các kỳ họp HĐND. Đây là một trong những hình thức phối hợp giám sát trực tiếp phát huy được hiệu quả, được cử tri đánh giá cao.

Vào tháng 12 hàng năm, sau khi hiệp thương với các đoàn thể chính trị - xã hội để dự kiến nội dung giám sát xã hội của năm sau, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã gửi văn bản để trao đổi, thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh để tránh chồng chéo về nội dung, thời gian, địa điểm. Về cơ bản đã nhận được sự thống nhất cao của Thường trực HĐND tỉnh, bên cạnh đó còn nhận được các ý kiến tham gia để các cuộc giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội phù hợp hơn, đồng thời đề xuất nội dung giám sát tới MTTQ Việt Nam tỉnh khi xét thấy cần ưu tiên giám sát trong năm. Sau giám sát của MTTQ, các kiến nghị  liên quan được gửi tới HĐND đều được Thường trực HĐND chỉ đạo xử lý giải quyết. Những đóng góp đó của HĐND đã nâng cao hiệu quả công tác giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội qua từng năm, đến nay Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức giám sát 27 cuộc.

Đối với công tác phản biện xã hội, trong những năm qua, đặc biệt từ 2016 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo các Ban HĐND tham gia cùng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức phản biện 20 dự thảo đề án, kế hoạch, chương trình của tỉnh. Với tổng số 288 ý kiến của các thành viên phản biện đã giúp các cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn chỉnh tốt nhất dự thảo trước khi trình HĐND tỉnh xem xét thông qua, góp phần đưa chính sách, pháp luật được áp dụng cao trong thực tiễn. Bên cạnh việc phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã tổ chức tham gia đóng góp ý kiến vào nhiều dự thảo  văn bản của HĐND tỉnh khi được gửi tới xin ý kiến.

Để tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác phối hợp trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và Thường trực HĐND tỉnh trong thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục chủ động thực hiện tốt Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; phối hợp nắm bắt tình hình Nhân dân, tình hình cử tri để có kiến nghị kịp thời đến cấp ủy, chính quyền, thống nhất lựa chọn nội dung GSPBXH hàng năm; kiến nghị kịp thời đến HĐND tỉnh những vấn đề liên quan; đặc biệt thực hiện việc HĐND thảo luận về kết quả công tác GSPBXH để từ đó có ý kiến đến các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của MTTQ theo Chỉ thị 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GSPBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.

Bình luận

Tin khác

Back To Top