Kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức cán bộ có tín nhiệm thấp

18:32 - Thứ Sáu, 09/06/2023 Lượt xem: 3711 In bài viết

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, chiều 9-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Phiên thảo luận chiều 9-6.

Đề xuất lấy phiếu tín nhiệm cán bộ "làm việc từ 100 ngày trở lên"

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là một trong những điểm đổi mới của hoạt động Quốc hội, HĐND từ nhiệm kỳ trước, được cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao. 

Nhất trí cao với các nội dung của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) góp ý, dự thảo Nghị quyết hiện chỉ quy định nguyên tắc công khai đối với kết quả lấy phiếu tín nhiệm, nên đề nghị bổ sung nguyên tắc công khai đối với hoạt động “bỏ phiếu tín nhiệm”, nhằm đảm bảo tính minh bạch.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) phát biểu thảo luận.

Về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, dự thảo Nghị quyết đã bổ sung tiêu chí “sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần cân nhắc rà soát và có thể làm rõ hơn nhóm đối tượng có quan hệ gia đình, gần gũi với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Bên cạnh đó, nên làm rõ tiêu chí “sự gương mẫu của vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật làm căn cứ đánh giá”, để tránh việc lợi dụng các yếu tố vi phạm cá nhân của người thân để làm giảm uy tín của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đánh giá, dự thảo Nghị quyết lần này đã có nhiều thay đổi cơ bản, tiến bộ. Góp ý một số nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Anh Trí băn khoăn với quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 12, Điều 17 dự thảo Nghị quyết). Điều 12 khoản 1 quy định, những người phiếu tín nhiệm thấp từ 1/2 đến dưới 2/3, hoặc họ xin từ chức luôn hoặc sẽ bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ gần nhất.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận.

Theo đại biểu, cần kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn hiện tại đối với những cán bộ có tín nhiệm thấp, mà không chờ hết nhiệm kỳ. “Tôi mạnh dạn đề nghị, làm sao bỏ tại kỳ họp đó luôn. Vì đây là công tác tổ chức cán bộ, để càng lâu càng khó làm, dễ tiêu cực xảy ra”, đại biểu Nguyễn Anh Trí phân tích.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng nêu kiến nghị về việc cần quy định cụ thể bỏ phiếu tín nhiệm với số phiếu bằng bao nhiêu thì cán bộ phải thôi việc, hay mặc định 50%(?). Ngoài ra, trong dự thảo Nghị quyết cũng chưa đề cập nhóm đối tượng người nhậm chức, được bổ nhiệm giữa nhiệm kỳ. Đại biểu cho rằng, cán bộ làm việc từ 100 ngày trở lên là có thể lấy phiếu tín nhiệm.

Làm rõ các hành vi bị nghiêm cấm

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận chiều 9-6.

Về các hành vi bị nghiêm cấm (quy định tại Điều 8), đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) đồng tình với việc bổ sung Điều 8 so với việc chỉ quy định tại khoản 5, điều 6, Nghị quyết số 85 để đảm bảo tính nghiêm khắc, không khoan nhượng trước những hành vi cố tình làm ảnh hưởng đến kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị làm rõ hơn những hành vi vận động, lôi kéo, mua chuộc, đồng thời sửa cụm từ “tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND” thành cụm từ “tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND”, bởi thực tế cho thấy, những hành vi này thường được che đậy rất tinh vi. Vì vậy, cần phải quy định điều chỉnh đối với những hành vi không trực tiếp tác động, nhưng lại có thể ảnh hưởng quan trọng đến đại biểu.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) phát biểu thảo luận.

Nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa các nội dung của Quy định số 96-QĐ/TƯ của Đảng, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) chỉ rõ, Quy định số 96-QĐ/TƯ khi đề cập đến việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, kết quả lấy phiếu tín nhiệm không chỉ sử dụng để xử lý cán bộ có số phiếu tín nhiệm thấp ở mức cao, mà còn sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Ngoài ra, cũng theo Quy định 96 của Đảng, một nội dung đáng lưu ý, đó là quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ có tín nhiệm cao.

Vì vậy, đại biểu đề nghị, đối với những người có số phiếu tín nhiệm cao ở mức cao thì kết quả này được sử dụng như thế nào, vào việc gì thì cũng cần được thể hiện trong lần sửa đổi Nghị quyết này. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị rà soát quy định về khái niệm lấy phiếu tín nhiệm và khái niệm bỏ phiếu tín nhiệm; hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quy trình thủ tục thực hiện; các hành vi bị nghiêm cấm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Các phát biểu cơ bản thống nhất sự cần thiết, phạm vi sửa đổi, bổ sung nghị quyết trong lần này và tham gia nhiều ý kiến cụ thể. Nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình bổ sung theo thủ tục rút gọn. Tại phiên họp khai mạc, Quốc hội thống nhất trong kỳ họp này sẽ xem xét theo trình tự, thủ tục rút gọn. Khi nào Quốc hội biểu quyết, có nghĩa là đã thông qua.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top