ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu vực quân sự

20:11 - Thứ Sáu, 09/06/2023 Lượt xem: 5037 In bài viết

ĐBP - Chiều nay (9/6), kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV thảo luận ở tổ về Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu vực quân sự.

Thiếu tướng Tráng A Tủa, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Bộ Công an), ĐBQH tỉnh Điện Biên.

Tham gia phát biểu ý kiến, các vị ĐBQH tỉnh nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu vực quân sự để cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng; quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập sau 28 năm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994.

Về một số nội dung cụ thể, ĐBQH Tráng A Tủa cho rằng, tên loại, tên nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự tại Dự thảo Luật chưa thống nhất, gây khó hiểu và khó theo dõi, ví dụ theo chức năng, nhiệm vụ thì công trình quốc phòng và khu quân sự được phân thành loại A, B, C, D; theo tính chất quan trọng, yêu cầu quản lý, bảo vệ thì công trình quốc phòng và khu quân sự lại được chia thành nhóm I, II, III. Đại biểu đề nghị thống nhất việc sử dụng ký hiệu phân loại công trình quốc phòng và khu quân sự, hoặc là sử dụng chữ số la mã, hoặc là sử dụng chữ cái la tinh cho dễ hiểu, dễ theo dõi.

Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ĐBQH tỉnh Điện Biên.

Về quyền hạn của lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự thuộc Bộ Quốc phòng, Dự thảo Luật quy định, lực lượng này được tạm giữ người, đồ vật mang theo, phương tiện ra, vào khu vực cấm, khu vực bảo vệ. Đại biểu cho rằng, thực tế có những khu vực bảo vệ, khu vực cấm không rào chắn toàn bộ, người dân vẫn có thể vô tình ra, vào. Quy định về quyền tạm giữ người và phương tiện là cần thiết, nhưng cũng cần quy định rõ trình tự, thủ tục giữ người, ví dụ giữ người theo thủ tục hành chính thì cần phối hợp với cơ quan có thẩm quyền, còn trường hợp có dấu hiệu hình sự thì trình tự, thủ tục phải theo quy định về giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Do đó, đề nghị quy định cụ thể trình tự, thủ tục về tạm giữ người, đồ vật, phương tiện ra, vào khu vực cấm, khu vực bảo vệ của công trình quốc phòng và khu vực quân sự, đảm bảo tính liên thông với pháp luật dân sự và hình sự, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.

Tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật, đại biểu Thượng toạ Thích Đức Thiện thông tin, hiện nay có những công trình quốc phòng, khu quân sự đan xen với khu dân cư, nhất là ở khu vực biên giới. Một số khu quân sự có các di tích lịch sử văn hoá hoặc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có cơ sở tôn giáo là di tích lịch sử, trước đây đã tham gia vào các cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước. Do vậy, đòi hỏi phải có quy định cụ thể, đảm bảo thực hiện chủ trương vừa bảo vệ quốc phòng, an ninh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top