Quy định rõ chính sách nhà ở xã hội, bảo đảm công bằng cho người lao động

16:06 - Thứ Hai, 19/06/2023 Lượt xem: 3402 In bài viết

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) đề nghị rà soát, quy định rõ ràng, bảo đảm điều kiện tiên quyết của chính sách nhà ở xã hội là hướng đến người có thu nhập thấp, người nghèo; đồng thời cần tiếp tục cụ thể hóa các tiêu chí với từng nhóm đối tượng cụ thể, bảo đảm chính sách bao quát, công bằng.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) phát biểu trước Quốc hội sáng 19/6. Ảnh: QH

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 19/6 Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Cân nhắc thời gian bảo hành nhà chung cư và công trình cấp đặc biệt

Góp ý vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật như Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Góp ý về bảo hành nhà chung cư, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh sự khác biệt và hợp lý đối với thời gian bảo hành nhà chung cư và công trình cấp đặc biệt và cấp 1.

Đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh sự khác biệt một cách phù hợp và hợp lý đối với thời gian bảo hành tối thiểu là 60 tháng đối với nhà chung cư và thời gian bảo hành tối thiểu 24 tháng đối với các công trình hoặc hạng mục công trình cấp đặc biệt, cấp một.

Đại biểu cho biết, dự thảo Luật quy định về việc bảo hành nhà chung cư kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng có thời hạn tối thiểu là 60 tháng. Trong khi đó, tại điểm a, khoản 2, Điều 35 Nghị định số 46 năm 2015 quy định thời gian bảo hành tối thiểu 24 tháng đối với các công trình, hạng mục công trình cấp đặc biệt và cấp một. Trong đó, công trình cấp đặc biệt được phân loại theo thông tư số 06 năm 2021 của Bộ Xây dựng, bao gồm có Nhà Quốc hội, Phủ Chủ tịch, trụ sở Chính phủ, trụ sở Trung ương Đảng, các công trình đặc biệt quan trọng khác hoặc bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa trung ương đến địa phương có tổng số giường trên 1.000 giường, thời gian tối thiểu bảo hành trong hai loại trường hợp trên có sự khác biệt đáng kể. Trên cơ sở phân tích trên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm về sự khác biệt này.

Về Ban quản trị nhà chung cư, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung, làm rõ thêm quy định có liên quan đến Ban quản trị nhà chung cư bao gồm như mô hình Ban quản trị nhà chung cư; yêu cầu đối với thành viên Ban quản trị nhà chung cư hoặc công nhận Ban quản trị chung cư…

Đảm bảo thống nhất giữa Luật Nhà ở (sửa đổi) với Luật Đất đai (sửa đổi)

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) quan tâm tới tính thống nhất của thành viên hộ gia đình phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, tại khoản 19, Điều 3 của dự thảo Luật và hộ gia đình sử dụng đất tại khoản 28 Điều 3 của dự thảo luật Đất đai (sửa đổi).

Cụ thể, đại biểu cho biết, theo dự thảo luật Đất đai (sửa đổi), hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất chung trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, theo dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, thành viên hộ gia đình phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung, cùng thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở trên diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung hoặc trên đất thuê, đất mượn và cùng tham gia quản lý, sử dụng nhà ở đó.

Pháp luật quy định nhà ở là tài sản gắn liền với đất, do đó các quy định về nhà ở, đất đai phải có sự thống nhất. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn các vấn đề về hộ gia đình trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Về việc lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng trong việc xây dựng chương trình phát triển nhà ở địa phương, đại biểu đề nghị khi xây dựng, phê duyệt chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh giao hoàn toàn trách nhiệm cho UBND, HĐND cấp tỉnh. “Nên bỏ quy định về việc lấy ý kiến của Bộ Xây dựng để tạo tính chủ động, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng của chính quyền địa phương, giảm bớt chi phí, thời gian, không làm tăng thời gian giải quyết công việc của các cơ quan trung ương”, đại biểu đề xuất.

Đánh giá về sự đồng bộ của dự thảo Luật Nhà ở với các luật khác có liên quan, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) tán thành nhiều nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, đồng thời cho biết, hiện nay nhiều nội dung của dự án Luật còn dễ chồng chéo với nhiều luật khác có liên quan.

Cụ thể, các quy định về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại Điều 38, về quỹ đất thực hiện dự án xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư tại Điều 52, về nhà ở xã hội tại Điều 80, về chính sách miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại khoản 1 Điều 66… đều còn chồng chéo. Đại biểu cho rằng, những vấn đề này cần được quy định tập trung tại dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để đảm bảo phù hợp về phạm vi điều chỉnh giữa hai dự án luật.

Quy định rõ chính sách nhà ở xã hội cho công nhân lao động

Quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho biết, hiện nay số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp tập trung trên cả nước chưa có nhà phải nhà thuê còn khá lớn.

Hiện nay, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định tại Khoản 3, Điều 77 là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời là chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân và các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp theo hướng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các công trình phục vụ nhu cầu nhà ở công nhân. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nội dung này mới được quy định trong dự thảo Luật  nên còn khá nhiều vấn đề cần phải quy định rõ ràng, thống nhất hơn.

Góp ý về nội dung liên quan đến hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể về việc sử dụng sai nguồn vốn huy động, theo đại biểu dự thảo hiện chưa quy định cơ chế kiểm soát sử dụng nguồn vốn của chủ đầu tư, vì trên thực tế nhiều trường hợp chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn dự án này để phát triển dự án khác hoặc xử lý các vấn đề nội tại của công ty mà không trực tiếp phát triển chính dự án mà người mua đã ký kết hợp đồng, vốn góp vốn trước đó. Đây cũng là một trong các nguyên nhân gây chậm tiến độ và các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện đông người kéo dài của người dân.

Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung cụ thể cơ chế kiểm soát các chủ đầu tư, việc sử dụng nguồn vốn huy động, chủ đầu tư phải cam kết và có báo cáo định kỳ cơ quan chức năng việc huy động và sử dụng vốn từng dự án đầu tư để cơ quan có chức năng biết, giám sát, có biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời khi có dấu hiệu sai phạm, nhằm tránh tối đa việc các chủ đầu tư lợi dụng, lạm dụng việc huy động vốn để chiếm đoạt và sử dụng sai mục đích huy động.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng, tại Điều 73 và Điều 74, dự thảo Luật quy định 12 nhóm đối tượng gắn với các điều kiện cụ thể để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Trong đó, đối với nhóm người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp… phải thuộc diện không nộp thuế thu nhập với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Đại biểu cho rằng, quy định căn cứ vào nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân để xác định điều kiện thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là chưa thỏa đáng. Đại biểu đề nghị rà soát, quy định rõ ràng hơn, bảo đảm điều kiện tiên quyết của chính sách nhà ở xã hội là hướng đến người có thu nhập thấp, người nghèo, đồng thời cần tiếp tục cụ thể hóa các tiêu chí với từng nhóm đối tượng cụ thể, bảo đảm chính sách bao quát, công bằng.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top