Dự kiến khoảng 300.000 người tham gia trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên toàn quốc

13:16 - Thứ Ba, 20/06/2023 Lượt xem: 5008 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (20/6), kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV thảo luận ở tổ về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tham gia phát biểu ý kiến, các vị ĐBQH tỉnh Điện Biên nhận định, hồ sơ Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trình Quốc hội tại kỳ họp này đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các vị ĐBQH và hoàn thiện hơn so với hồ sơ Dự án Luật trình tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

ĐBQH Tạ Thị Yên phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ sáng 20/6, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Có sự phân định cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ giữa các lực lượng

ĐBQH Tạ Thị Yên đánh giá, Dự thảo Luật đã có sự điều chỉnh thay đổi bản chất về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đó là chuyển từ vị trí, chức năng quản lý, trực tiếp thực hiện biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự sang vị trí, chức năng là lực lượng hỗ trợ công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự phòng, tự quản về an ninh, trật tự trên địa bàn xã, phường, thị trấn. 

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã có sự phân định rõ sự khác nhau về vị trí, chức năng giữa lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với vị trí, chức năng của lực lượng công an cấp xã và các lực lượng khác ở địa bàn cơ sở.

Xuất phát từ việc phân định cụ thể vị trí, chức năng nên quy định về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được rà soát, chỉnh lý để tách bạch rõ giữa nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với nhiệm vụ của công an cấp xã và chính quyền cơ sở.

Theo Dự thảo Luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được giao thực hiện 06 nhóm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự với tính chất là tham gia hỗ trợ công an cấp xã và theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của công an cấp xã, không thực hiện nhiệm vụ quản lý, không thực hiện biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự do công an cấp xã trực tiếp thực hiện.

Giảm đáng kể số lượng thành viên của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở  

Dự thảo Luật trình tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bao gồm 03 lực lượng là bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và toàn bộ lực lượng dân phòng. Theo đó, tổng số lượng người tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn trên toàn quốc là khoảng 1,8 triệu thành viên. 

Dự thảo Luật trình kỳ họp Quốc hội lần này quy định, chỉ kiện toàn 02 lực lượng là bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018 và các chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng (không phải toàn bộ lực lượng dân phòng như dự kiến ban đầu). 

“Quy định này đã giúp giảm đáng kể về số lượng người tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, từ dự kiến 1,8 triệu thành viên trên toàn quốc, còn khoảng 300.000 người, bằng 1/6 so với dự kiến ban đầu. Từ đó kinh phí để đảm bảo chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng giảm đi” - ĐBQH Tráng A Tủa khẳng định.

Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện một số nội dung

Tại phiên thảo luận tổ sáng 20/6, đồng chí Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh có ý kiến băn khoăn về quy định bố trí địa điểm làm việc của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Dự thảo Luật quy định “Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí địa điểm, nơi làm việc của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại các địa điểm, nơi sinh hoạt cộng đồng ở thôn, tổ dân phố hoặc tại địa điểm, nơi làm việc khác phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, khả năng bảo đảm của địa phương”.

Theo Báo cáo số 53/BC-CP ngày 28/2/2023 của Chính phủ thì việc quy định như trên sẽ không làm tăng chi ngân sách để bố trí địa điểm, nơi làm việc của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Báo cáo số 272/BC-BCA ngày 28/2/2023 của Bộ Công an cũng nêu, việc bố trí địa điểm làm việc của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ tận dụng, sử dụng địa điểm, nơi làm việc, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị đang đầu tư, trang bị cho các lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách để tiếp tục trang bị cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để sử dụng. Qua đó, không gây áp lực đối với các địa phương trong việc bảo đảm kinh phí để đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

“Tôi đồng tình với việc là khi chúng ta thu gọn từ 03 đầu mối là công an xã bán chuyên trách, lực lượng bảo vệ dân phố và lực lượng dân phòng thành 01 đầu mối là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Tổ bảo vệ an ninh, trật tự) thì việc bố trí địa điểm làm việc sẽ đỡ áp lực hơn. Tuy nhiên, về nhận định không làm tăng chi ngân sách, không gây áp lực đối với các địa phương trong việc bảo đảm kinh phí để đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị và bố trí địa điểm, nơi làm việc cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì tôi thấy còn băn khoăn” - ĐBQH Tạ Thị Yên nêu ý kiến.

ĐBQH Tráng A Tủa phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ sáng 20/6, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Đánh giá về thực trạng việc bố trí địa điểm làm việc của công an xã bán chuyên trách, lực lượng bảo vệ dân phố và lực lượng dân phòng, đại biểu phân tích, theo như Báo cáo 272/BC-BCA của Bộ Công an thì do điều kiện thực tế khó khăn, nhiều địa phương chưa bố trí cho Ban Bảo vệ dân phố có trụ sở để làm việc riêng, mà vẫn bố trí làm việc chung tại trụ sở Ủy ban nhân dân hoặc trụ sở công an phường, cụ thể là: có 22,95% Ban Bảo vệ dân phố được bố trí trụ sở làm việc riêng; 47,23% Ban Bảo vệ dân phố phải mượn, nhờ nơi làm việc; 29,82% Ban Bảo vệ dân phố chưa có nơi làm việc. Trong khi đó, Ban Bảo vệ dân phố chỉ được thành lập ở phường, mỗi phường thành lập 01 Ban, như vậy việc tận dụng địa điểm hiện có của lực lượng bảo vệ dân phố là rất ít. Về trụ sở làm việc của Công an xã thì mỗi xã cũng chỉ có 01 trụ sở, nhiều xã vẫn đang phải làm việc trong khuôn viên UBND xã. Đối với lực lượng dân phòng thì về cơ bản đội dân phòng hiện nay đều không có trụ sở làm việc.

“Như vậy, việc tận dụng trụ sở, nơi làm việc của lực lượng bảo vệ dân phố, hay trụ sở của UBND, công an cấp xã là không nhiều, bởi có tới 103.568 tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên toàn quốc cần được bố trí nơi làm việc” - ĐBQH tỉnh Điện Biên nhận định.

ĐBQH Tạ Thị Yên cho rằng, quy định bố trí nơi làm việc của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại các địa điểm, nơi sinh hoạt cộng đồng ở thôn, tổ dân phố cũng không phù hợp, vì đối với các thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hoá thì hiện nay hầu hết cũng rất chật hẹp, không đảm bảo để sinh hoạt chung cũng như bố trí thêm phòng làm việc hay nơi cất giữ các phương tiện, thiết bị của lực lượng này.

Về chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đồng chí Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu nhất trí cao với quy định tại Điều 20, Dự thảo Luật. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị: “Cần tính toán, đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện các chế độ, chính sách này đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Nhất là cần cân đối ngân sách Trung ương để hỗ trợ cho các địa phương khó khăn về ngân sách, các tỉnh nghèo, tỉnh miền núi, biên giới để chính sách ban hành ra được thực thi trong thực tiễn”.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị sửa đổi quy định về trình tự, thủ tục thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự theo hướng đơn giản hoá, cụ thể là HĐND cấp tỉnh ban hành quy định chung, mang tính nguyên tắc, định hướng về việc thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và các chức danh Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn. 

Căn cứ vào tình hình, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định việc thành lập và các chức danh Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại từng thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn, đảm bảo đúng quy định, phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Không nên quy định hàng năm tiến hành rà soát và trình HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định, như vậy thủ tục rườm rà, mất rất nhiều thời gian và không cần thiết.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top