Quốc hội đồng ý lập Quỹ Phòng thủ dân sự ở Trung ương và cấp tỉnh

14:56 - Thứ Ba, 20/06/2023 Lượt xem: 3152 In bài viết

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, sáng 20-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng thủ dân sự. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Luật Phòng thủ dân sự gồm 7 chương, 55 điều sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024. Với việc thông qua luật này, Quốc hội đồng ý lập Quỹ Phòng thủ dân sự ở cả cấp Trung ương và tỉnh.

Lập Quỹ Phòng thủ dân sự là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng dự thảo luật này. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về Quỹ phòng thủ dân sự (Điều 40), trên cơ sở ý kiến đại biểu thảo luận tại hội trường ngày 24-5-2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng 2 phương án, trong đó nêu rõ ưu, nhược điểm của từng phương án và gửi phiếu xin ý kiến đại biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo.

Cụ thể, phương án 1 là lập ngay Quỹ để kịp thời sử dụng trong tình trạng thảm họa, sự cố. Phương án 2, chỉ lập khi có tình huống khẩn cấp và do Thủ tướng quyết định. Kết quả, trong tổng số 373 đại biểu tham gia cho ý kiến, có 255 đại biểu tán thành phương án 1. Trên cơ sở ý kiến thảo luận và kết quả xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, quy định phương án 1. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến các cơ quan hữu quan tại Phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung quy định về nguyên tắc việc điều tiết giữa Quỹ Phòng thủ dân sự và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa được thực hiện trong trường hợp cấp bách; giao Chính phủ quy định việc điều tiết giữa các quỹ này.

Các đại biểu Quốc biểu quyết thông qua Luật Phòng thủ dân sự.

Về cấp độ phòng thủ dân sự (Điều 7), biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 2 (Điều 23) và biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 3 (Điều 24), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ về tính chất nghiêm trọng của tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh so với sự cố, thảm họa ở các cấp độ phòng thủ dân sự và nghiên cứu quy định cho chặt chẽ, tránh chồng chéo, khó thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tính chất nghiêm trọng của tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh đã được quy định trong Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp, Luật Quốc phòng. Do đó, các biện pháp áp dụng trong tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Các biện pháp phòng thủ dân sự quy định tại Luật này không thay thế cho các biện pháp áp dụng trong tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh, mà tạo nên tổng thể các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả của sự cố, thảm họa, bảo vệ nhân dân, nền kinh tế khi xảy ra thảm họa, sự cố.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top