Tăng thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước để đảm bảo tính khả thi

18:08 - Thứ Năm, 22/06/2023 Lượt xem: 4529 In bài viết

ĐBP - Chiều nay (22/6), kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Căn cước.

ĐBQH Quàng Thị Nguyệt phát biểu ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Căn cước tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thi hành, tạo cơ sở pháp lý trong triển khai thực hiện, tạo bước đột phá trong chuyển đổi số ở nước ta. 

Về thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, tại Điều 27, dự thảo luật quy định “Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định của luật này, cơ quan quản lý căn cước phải cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước trong thời hạn 7 ngày làm việc”. 

Theo đại biểu, thời hạn 07 ngày để cấp, cấp đổi lại thẻ căn cước là quá ngắn. Thực tế triển khai đã có những trường hợp 01 tháng vẫn chưa nhận được thẻ. Mặt khác, với điều kiện về hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu toàn quốc hiện nay vẫn còn hạn chế, hệ thống đường truyền vẫn chưa đảm bảo, trang thiết bị phục vụ cho cấp thẻ căn cước cũng bắt đầu xuống cấp qua nhiều năm triển khai thực hiện. Trong khi đó thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo dự thảo luật được quy định tại Điều 29 là do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an cấp, không phân cấp cho địa phương. 

“Cho nên tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tăng thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước để quy định pháp luật phải sát với điều kiện thực tiễn và đảm bảo tính khả thi khi luật có hiệu lực thi hành” - Đại biểu Quàng Thị Nguyệt đề nghị.

Đồng tình với quy định về cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, đại biểu Quàng Thị Nguyệt cho rằng, đây một quy định rất mới so với Luật Căn cước công dân năm 2014. Quy định này đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân, đặc biệt nhóm trẻ em dưới 14 tuổi, phát huy giá trị của việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, tiện ích cho nhiều dịch vụ như khám, chữa bệnh, giao dịch...

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá kỹ hơn về tác động tiêu cực, tích cực, so sánh giữa chi phí và lợi ích đem lại của các giải pháp nêu ra trong báo cáo đánh giá tác động, làm cơ sở cho các vị đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định. Ngoài ra, cần bổ sung quy định trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ đối với người dưới 14 tuổi trong việc sử dụng, quản lý thẻ căn cước, tránh việc lộ, lọt thông tin cá nhân hoặc là sử dụng thẻ căn cước vào mục đích xấu.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước, khoản 5, Điều 6 dự thảo luật quy định, trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước bao gồm: “Cấp căn cước điện tử; cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định của luật này”. Tuy nhiên, tại điểm a, khoản 4, Điều 30 dự thảo luật còn quy định “cơ quan quản lý căn cước thực hiện thu hồi thẻ căn cước trong trường hợp quy định tại khoản 1 điều này”. 

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước đối với nội dung thu hồi thẻ căn cước, bổ sung cụm từ "thu hồi" vào khoản 5 Điều 6 như sau "Cấp căn cước điện tử; cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định của luật này".

Điều 28, dự thảo luật quy định các cơ quan quản lý căn cước gồm: cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an, cơ quan quản lý căn cước công dân cấp tỉnh, cơ quan quản lý căn cước công dân của công an cấp huyện... Do đó, để thuận lợi trong quá trình áp dụng văn bản, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể thẩm quyền của cơ quan quản lý căn cước các cấp trong việc thu hồi thẻ căn cước.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét lại quy định các trường thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. “Tôi thấy có những thông tin thường xuyên thay đổi, ví dụ như nơi tạm trú, tình trạng khai báo tạm vắng... Vậy những thông tin này có cập nhật hay không? bao lâu cập nhật lại một lần? cách thức cập nhật, cơ quan nào cập nhật là chưa rõ” - Đại biểu Quàng Thị Nguyệt nêu ý kiến.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top