Nậm Pồ - 10 năm, một chặng đường phấn đấu

08:13 - Thứ Sáu, 23/06/2023 Lượt xem: 5053 In bài viết

ĐBP - Cách đây 10 năm, vào ngày 23/6/2013, một sự kiện chính trị quan trọng diễn ra ở vùng đất biên cương, đầy gian khó của tỉnh Điện Biên, đó là Lễ ra mắt và đi vào hoạt động của huyện Nậm Pồ.

Là huyện được thành lập từ việc điều chỉnh địa giới hành chính 15 xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Mường Nhé và huyện Mường Chà, theo Nghị quyết 45/NQ-CP ngày 25/8/2012 của Chính phủ, nên Nậm Pồ “mang trên mình” những gian nan, vất vả chồng chất của một huyện miền núi, vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khi ấy, các tuyến đường giao thông đến trung tâm huyện và hầu hết các xã chưa được cứng hóa nên việc đi lại, nhất là vào mùa mưa vô cùng khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo rất cao, nhiều xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 90%. Hệ thống trường, lớp học còn tạm bợ, tranh tre nứa lá, nhất là các điểm trường, các khu ở của học sinh bán trú; cơ sở y tế chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho Nhân dân. Trên địa bàn huyện còn nhiều hủ tục, tập quán canh tác chủ yếu trên nương rẫy, tự cung tự cấp; tình hình xâm canh, xâm cư, di dịch cư tự do, phá rừng làm nương, hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật, tội phạm ma túy diễn biến phức tạp... Cùng với đó, điều kiện làm việc, nơi ở cán bộ, công chức, viên chức các phòng, ban chuyên môn huyện và các xã hết sức khó khăn, vì hầu hết là trụ sở tạm, phòng làm việc cũng là nơi ăn ở sinh hoạt; chưa có điện lưới quốc gia; trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác thiếu thốn...

Tuy khó khăn mọi mặt, song từ những ngày đầu đi vào hoạt động, cả hệ thống chính trị của huyện đã bắt tay ngay vào việc ổn định tổ chức, bộ máy cán bộ và triển khai toàn diện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng đảng và hệ thống chính trị. Với sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, sau 10 năm và qua 2 kỳ Đại hội Đảng bộ, kinh tế của huyện có bước phát triển mới, đạt nhiều kết quả quan trọng: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng xác định, sản xuất  nông - lâm nghiệp vẫn đóng vai trò chủ lực, tăng diện tích lúa ruộng, lúa hai vụ và giảm dần diện tích lúa nương. Đã hình thành nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, như: Mô hình trồng cam ở xã Nậm Tin; trồng mận ở xã Vàng Đán; bí xanh và du lịch cộng đồng tại xã Chà Nưa... Tổng sản lượng lương thực, bình quân lương thực đầu người, tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng cao so với ngày mới thành lập. Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giao đất giao rừng; tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 đạt 43,17%, tăng 11,37% so với năm 2013. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai có hiệu quả, hạ tầng nông thôn có những chuyển biến rõ rệt. Từ những nỗ lực trong giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2016 là 72,09%, đến nay còn 50,61% hộ nghèo. Qua các phong trào, các cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, từ năm 2015 đến nay, Nậm Pồ có hơn 1.000 hộ nghèo, gia đình chính sách được hỗ trợ làm nhà ở từ các nguồn ngân sách Nhà nước và ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học được quan tâm đầu tư; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Từ một huyện chỉ có 4 trường trường đạt chuẩn quốc gia (năm 2013), sau 10 năm thành lập Nậm Pồ đã có 29/42 trường (của 3 cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, các trường, điểm trường, nhà ở cho học sinh bán trú đã cơ bản được cứng hóa (nền cứng, vách cứng, mái cứng), xây dựng kiên cố, không còn các nhà lớp học tranh tre nứa lá. Hoạt động văn hóa - văn nghệ có nhiều chuyển biến quan trọng. Với phương châm “Lấy người dân làm trung tâm của các hoạt động văn hóa”, trong những năm qua, nhiều hoạt động văn hóa với quy mô lớn đã được tổ chức thành công, với hàng nghìn người tham gia, đáp ứng sự mong đợi của người dân và tác động tích cực đến tâm tư, tình cảm của đồng bào các dân tộc. Tiềm năng lợi thế về phong cảnh thiên nhiên, bản sắc văn hóa của các dân tộc được phát huy, tháng 10/2022, bản du lịch cộng đồng đầu tiên của huyện (bản Nà Sự, xã Chà Nưa) đã khai trương đón khách, tạo hiệu ứng tích cực, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, ăn, nghỉ tại bản. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, những năm gần đây, huyện luôn đứng trong tốp đầu thực hiện cải cách thủ tục hành chính (năm 2020 đứng thứ nhất; năm 2021 đứng thứ hai; năm 2022 tiếp tục dẫn đầu các huyện, thị xã, thành phố trong công tác cải cách hành chính).

Công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, đối ngoại tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, huyện đã giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Quản lý tốt các hoạt động tôn giáo, đấu tranh hiệu quả với các tà đạo, không để phát sinh các điểm nóng; xử lý dứt điểm các vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng; không để xảy ra tình trạng di cư tự do, xuất nhập cảnh trái phép… Đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy. Tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị với 3 huyện Mường Mày, Phoong Sa Ly, Sẳm Phăn thuộc tỉnh Phoong Sa Ly (nước CHDCND Lào). Có nhiều nỗ lực, cố gắng trong triển khai, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhiều mô hình, cách làm mới được triển khai quyết liệt, sáng tạo và hiệu quả. Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TU về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cùng với thực hiện các chuyên đề hàng năm, huyện đã thực hiện hiệu quả các phong trào: “Thêm việc tốt mỗi ngày” (trong 3 năm từ 2019 - 2023, đã có gần 1.000 tổ chức, cá nhân được Ban Thường vụ Huyện ủy gửi thư khen); “Ngày cuối tuần tình nguyện”; thực hiện hơn 1.000 mô hình lợn tiết kiệm hưởng ứng phong trào “2.000 đồng mỗi ngày cho giáo dục”; thành lập 121 “Tổ dân vận cơ sở” phụ trách 121 bản, với gần 900 người tham gia.. Từ những mô hình, phong trào đó đã góp phần quan trọng đưa chủ trương, chính sách pháp luật đến với người dân được kịp thời, hiệu quả hơn, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị của huyện.

Trong 10 năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Nậm Pồ luôn chú trọng, có nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, kết nạp đảng viên. Đến nay, Đảng bộ huyện có 2.894 đảng viên (tăng 1.887 đảng viên so với năm 2013), sinh hoạt tại 52 chi bộ, đảng bộ cơ sở; “xóa” 40/40 bản chưa có đảng viên, giảm 69/72 bản chưa có chi bộ. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số được sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cấp ủy viên. Công tác dân vận có nhiều đổi mới, góp phần quan trọng trong triển khai, thực hiện các chương trình dự án và sự ổn định trong cộng đồng dân cư. Nhờ những nỗ lực đó mà huyện Nậm Pồ được đánh giá là một trong những “điểm sáng” về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị.

Cùng với đó, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội có nhiều chuyển biến rõ nét; phát huy vai trò tập hợp các hội viên trong tuyên truyền pháp luật, phát triển kinh tế, hỗ trợ, nâng cao đời sống của hội viên và nhân dân. Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện đã phát động, quyên góp và tổ chức các mô hình hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19 và tiêm phòng Covid-19.

Với những kết quả tích cực trong 10 năm qua, đã có hàng trăm lượt tổ chức, cá nhân của huyện được các cấp khen thưởng. Để có được những kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, cụ thể, quyết liệt của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; sự hướng dẫn, giúp đỡ của các sở, ban, ngành tỉnh; sự nỗ lực cố gắng của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện. Và đó cũng là công lao, trí tuệ của nhiều đồng chí lãnh đạo và cán bộ các cơ quan, đơn vị, có mặt từ ngày đầu thành lập huyện, đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, nỗ lực vì mục tiêu xây dựng huyện Nậm Pồ ngày càng phát triển, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của các cấp ủy đảng, chính quyền Nhân dân các dân Nậm Pồ nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung. Phát huy truyền thống “10 năm xây dựng và trưởng thành”, Đảng bộ, chính quyền, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc trong huyện sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm, cố gắng hơn nữa, vì một Nậm Pồ ấm no và hạnh phúc...

                               Lê Khánh Hòa

(Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nậm Pồ)

 

Bình luận

Tin khác

Back To Top