Nâng cao năng lực giám sát, phản biện cho cán bộ mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội

12:11 - Thứ Năm, 06/07/2023 Lượt xem: 6239 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (6/7), Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đại biểu dự hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu trung ương có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Tại điểm cầu tỉnh Điện Biên có các đồng chí: Lò Văn Phương, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lò Văn Mừng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Sau 5 năm triển khai thi hành Nghị quyết liên tịch số 403, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong công tác giám sát, phản biện xã hội được nâng lên rõ rệt. Việc xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội đã được ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện theo đúng quy định, làm rõ hơn vai trò chủ trì của MTTQ Việt Nam và của từng tổ chức chính trị - xã hội, khắc phục sự trùng lặp về nội dung, thời gian, địa bàn giám sát. Nhiều hình thức giám sát, phản biện đã được triển khai.

Trong 5 năm qua, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tiến hành giám sát 60.463 cuộc bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản; tổ chức hơn 87.350 đoàn giám sát; tham gia giám sát với các cơ quan có thẩm quyền được 159.492 cuộc; tổ chức 23.883 hội nghị phản biện xã hội; gửi văn bản tham gia góp ý, phản biện vào 42.051 văn bản; tổ chức 19.714 cuộc đối thoại trực tiếp. Sau giám sát, phản biện, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đều có báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia phản biện, góp ý gửi đến cơ quan chức năng xem xét tiếp thu, giải trình, bổ sung…

Cùng với kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 vẫn còn những hạn chế: Việc lựa chọn nội dung giám sát ở một số địa phương còn lúng túng, chất lượng giám sát còn hạn chế. Thực hiện giám sát theo hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản chưa được quan tâm; ở một số nơi chưa tổ chức đối thoại trực tiếp giữa MTTQ với cơ quan có dự thảo văn bản được phản biện; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị sau giám sát ở nhiều nơi chưa được chú trọng dẫn đến việc kiến nghị một chiều, hình thức…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Chiến khẳng định: Công tác giám sát, phản biện xã hội được Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội đã đạt nhiều kết quả nổi bật, rõ nét trong công tác phối hợp, nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, đồng chí đề nghị cấp ủy, ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cần tập trung nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội để làm tốt công tác tham mưu, tuyên truyền. Đồng thời, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực công tác, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ chuyên trách mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Đây là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội; chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức bộ máy để hoạt động giám sát, phản biện xã hội phát huy hiệu quả…

Tin, ảnh: Đức Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top