ĐBP - Sáng 13/7, Kỳ họp thứ 11, HÐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã khai mạc trong sự mong đợi, kỳ vọng của nhân dân trên địa bàn. Kỳ họp này không chỉ đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm của tỉnh, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nửa cuối năm, mà còn xem xét nhiều vấn đề, nội dung quan trọng, quyết định nhiều chính sách tác động trực tiếp đến cuộc sống nhân dân.
Ðáng chú ý, kỳ họp này xem xét 2 dự thảo nghị quyết liên quan đến công tác giáo dục và đào tạo. Ðặc biệt, năm học sắp tới, có thể mức học phí mới sẽ được áp dụng tại tỉnh ta. Tại dự thảo Nghị quyết Quy định mức học phí năm học 2022 - 2023 và mức học phí từ năm học 2023 - 2024 đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh, dự kiến năm học tới học phí mầm non, tiểu học, THCS là 50.000 đồng/tháng/học sinh, THPT là 100.000 đồng/người/tháng, bao gồm cả giáo dục thường xuyên các bậc tương ứng. Trước đó, ở tỉnh ta, bậc tiểu học được miễn học phí, các bậc còn lại tùy từng khu vực sống có các mức học phí khác nhau, dao động từ 10.000 - 40.000 đồng/học sinh/tháng. Tuy tăng so với năm học trước nhưng ông Nguyễn Văn Ðoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo khẳng định: “Ðây là mức thấp nhất trong khung học phí quy định tại Nghị định 81/2021/NQ-CP của Chính phủ, các cơ quan chuyên môn đã tham mưu làm sao để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em đến trường”.
Tại huyện Tuần Giáo, bậc mầm non đến THCS hàng năm có khoảng hơn 14.000 học sinh, thì có hơn 2.000 em thuộc diện phải thu học phí. Trong đó khoảng gần 39% học sinh đóng 100% học phí, trên 60% học sinh đóng 30% học phí, còn lại là đóng 50%. Ông Ðỗ Văn Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện chia sẻ: “Phần lớn các trường học nằm trên địa bàn khó khăn, thu nhập của phụ huynh thấp; nhận thức về giáo dục còn hạn chế nên việc tham gia đóng góp các khoản thu vẫn gặp khó khăn, việc đóng học phí đôi khi chậm. Mức học phí dự kiến từ năm học 2023 - 2024 có thể sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến việc huy động và duy trì số lượng học sinh của một số trường. Tuy nhiên đây là quy định chung và đã là mức thấp nhất nên ngành Giáo dục huyện sẽ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu và ủng hộ, vận động tối đa học sinh ra lớp...”.
Tỉnh cũng chú trọng quan tâm đến công tác xóa mù chữ (XMC) với dự thảo Nghị quyết Quy định nội dung, mức chi thực hiện Ðề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” và nội dung, mức hỗ trợ để khuyến khích người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học XMC. Theo đó là các mức chi hỗ trợ học phẩm, chi phí thắp sáng ban đêm đối với các lớp học XMC, mua sách giáo khoa dùng chung, chi tiền lương đối với giáo viên thuộc biên chế dạy lớp XMC, chống tái mù chữ... Nghị quyết này nếu được thông qua không chỉ là động lực lớn cho người dân vùng cao học con chữ mà còn khích lệ giáo viên tham gia công tác này.
Tại xã Luân Giói, huyện Ðiện Biên Ðông, trong năm nay có 9 lớp XMC (4 lớp mở năm 2022, 5 lớp mở năm 2023), diễn ra trong nhiều tháng. Cô Trương Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Luân Giói, đơn vị chịu trách nhiệm công tác này, chia sẻ niềm vui: Trước đây, việc triển khai lớp học XMC gặp không ít khó khăn. Ðể thuận lợi cho người học, địa điểm tổ chức lớp đều mượn tại bản, tiêu tốn các khoản phát sinh lắp đặt đường dây, điện thắp sáng hàng tháng... Mà quy định chỉ hỗ trợ chi phí cho người học. Giáo viên được huy động dạy lớp XMC cũng không nhận được kinh phí hỗ trợ thêm nào, chỉ tính tiền tăng giờ, nhưng số tăng giờ cho các nhiệm vụ chuyên môn chính cũng đã gần hết định mức, trong khi dạy XMC liên tục các tối trong tuần và trong nhiều tháng trời. Nếu nghị quyết được thông qua, các nỗi lo trên sẽ được giải quyết, tạo nhiều thuận lợi cho công tác XMC tại vùng cao.
Các đại biểu cũng thảo luận, xem xét dự thảo Nghị quyết Quy định cụ thể một số nội dung thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Nghị quyết này không chỉ quy định cụ thể với các đối tượng, mà đáng chú ý là còn giới hạn hỗ trợ cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập không quá 1 lần, nhằm tránh trường hợp lạm dụng chính sách.
Cùng với các chính sách nhân văn kể trên, kỳ họp này bàn thảo, quyết định nhiều nghị quyết quan trọng, tác động trực tiếp tới người dân, tới sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Có thể kể đến như: Nghị quyết Quy định mức chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Ðề án “Ðảm bảo cơ sở vật chất cho công an xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2022 - 2025”...
Vì thế, khai mạc kỳ họp, đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Mỗi đại biểu cần tâm huyết, trách nhiệm, thảo luận và quyết định các cơ chế, chính sách bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, sát thực tiễn và có tính khả thi cao. Sau kỳ họp, đề nghị Thường trực HÐND sớm ban hành các nghị quyết theo thẩm quyền; xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung quyết nghị tại kỳ họp... UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết đã được HÐND tỉnh thông qua. Ðề cao trách nhiệm trước Nhân dân trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền để thống nhất nhận thức, đoàn kết, đồng lòng, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2023 đã đề ra, tạo tiền đề và động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của cả giai đoạn 2021 - 2025.