Lời hứa theo suốt tháng năm

16:53 - Chủ Nhật, 16/07/2023 Lượt xem: 5170 In bài viết

Đối với Côn Đảo, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Châu Văn Mẫn luôn có tình cảm đặc biệt. Đó không chỉ là hoài niệm đau thương, hào hùng mà còn là niềm trăn trở với những đồng đội đã nằm lại nơi đây.

Từ trái qua phải: Đại tá, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm, nhà báo Trịnh Phi Long và Trung tướng Châu Văn Mẫn thảo luận về việc đề xuất dựng bia tưởng niệm, ghi danh các di tích dịp trở lại Côn Đảo tháng 4/2023. Ảnh: NVCC

Những ngày tháng 7, chúng tôi lại có dịp được gặp Trung tướng Châu Văn Mẫn tại TP. Vũng Tàu. Ông kể: “Mỗi năm mấy bận, tôi lại ra Côn Đảo bởi duyên nợ và trăn trở cùng đồng đội còn nằm lại nơi đây”…

Trung tướng Châu Văn Mẫn cho hay: Sau nhiều năm đi nhiều nơi, gặp nhiều nhân chứng để lục tìm những gì liên quan đến nhà tù Côn Đảo, đầu năm 2014, TS. Sử học Bùi Văn Toản, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, cựu tù chính trị Trại 1-6B, nhà tù Côn Đảo, vui mừng khi tìm được một phần chứng cứ quan trọng có thể giúp tìm ra thêm nhiều liệt sĩ nữa. Đó là 2 tấm bản đồ nhà tù Côn Đảo do Pháp đo vẽ năm 1943 đang nằm tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2. Bản đồ ghi rõ vị trí lò hỏa táng (Four Crematoire), trường bắn (Champ de Tir), nghĩa trang (Cimetière)…

“Năm 2019, ông Toản bị bệnh. Trước lúc từ trần, ông giao lại toàn bộ tài liệu và tâm nguyện đi tìm sự thật. Chúng tôi từng là đồng đội, cũng từng là cựu tù ở Trại 1-6B. Và tôi có sứ mệnh tiếp tục công việc này như nhiệm vụ của người lính phải hoàn thành”, Trung tướng Châu Văn Mẫn tâm sự.

Qua nghiên cứu báo cáo của chính quyền Côn Đảo thời kỳ Pháp thuộc, trong giai đoạn năm 1941-1944, tại Côn Đảo có dịch kiết lỵ, thương hàn hoành hành. Có 2.387 tù nhân tử vong, việc thiêu xác là lựa chọn của nhà cầm quyền để ngăn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, đến nay chưa có tài liệu nào xác định bao nhiêu tù chính trị đã bị thiêu. Đây là địa điểm lịch sử ghi dấu những tù nhân Côn Đảo đã hòa mình vào đất.

Tháng 4/2023, Trung tướng Châu Văn Mẫn đã ra Côn Đảo để hội ngộ những cựu tù Côn Đảo từ TP.Hồ Chí Minh và những địa phương khác. Ông đã mời một số thành viên cùng đi tìm dấu tích xưa, gồm: Đại tá - nhà văn Đỗ Viết Nghiệm; Luật gia, nhà báo Trịnh Phi Long và Thiếu úy Nguyễn Xuân Tùng, Công an huyện Côn Đảo đi tìm lò hỏa táng theo vị trí bản đồ.

Từ những tài liệu, hiện vật liên quan sưu tầm đến 3 điểm di tích gồm: Bãi xử bắn tù nhân, Nghĩa địa đầu tiên và Lò hỏa táng tù nhân, trở về từ Côn Đảo, Trung tướng Châu Văn Mẫn gặp lãnh đạo UBND tỉnh tiếp dân vào ngày 15/5/2023. Trong đó có kiến nghị bổ sung vào danh mục di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo 3 điểm di tích mới phát hiện tại Côn Đảo kể trên.

Ngày 29/5/2023, UBND tỉnh đã có công văn số 362/TB-UBND về kết luận của UBND tỉnh tại buổi làm việc về kiến nghị liên quan đến việc tôn tạo các di tích tại huyện Côn Đảo. Theo đó, về hồ sơ khoa học Nghĩa địa tù nhân đầu tiên ở Côn Đảo, UBND tỉnh giao Sở VH-TT rà soát, đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ để tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ VH-TT-DL thẩm định, công nhận và trình Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục của Khu Di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo.

Đối với đề nghị đề xuất làm nghiên cứu làm hồ sơ di tích “Lò thiêu xác tù nhân; Bãi xử bắn tù nhân”, UBND tỉnh giao Sở VH-TT chủ động phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch, kinh phí thực hiện công tác sưu tầm, tập hợp thêm thông tin, tư liệu, bản đồ, nhân chứng…; đề xuất tổ chức hội thảo tại huyện Côn Đảo với sự tham gia của các chuyên gia, các cựu tù, những người sống lâu năm tại Côn Đảo.

Chia sẻ về nguyện vọng được lãnh đạo, chính quyền tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao, người cựu tù chính trị trại 1-6B Côn Đảo năm xưa bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn một ngày nào đó di tích được xếp hạng để bảo tồn, giữ vẹn nguyên câu chuyện của quá khứ… Đó không chỉ là trách nhiệm của người lính đối với non sông, mà còn là tấm lòng, là lời hứa phải thực hiện của những người Cộng sản kiên trung dành cho đồng đội, cho mai sau và cho chính bản thân mình…”.

Theo baobariavungtau
Bình luận

Tin khác

Back To Top