ĐBP - Ngày 24/7, Đoàn công tác tỉnh Điện Biên do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vừ A Bằng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện Đề án 06 với tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên và Thừa Thiên Huế khái quát tình hình triển khai thực hiện Đề án 06 của 2 tỉnh. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai và từng bước nhân rộng 23/27 mô hình Đề án 06, trong đó cơ bản đã hoàn thành 9 mô hình; đang triển khai 14 mô hình. Đối với tỉnh Điện Biên, đã triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06; trong 6 tháng đầu năm 2023 tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết trên môi trường trực tuyến đạt 91,7% (trực tuyến 113.796/124.087 hồ sơ). Thường xuyên cập nhật, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” đối với 656.779 dữ liệu dân cư phục vụ khai thác, xác thực thông tin công dân; trang bị 173 thiết bị đọc mã QR trên thẻ căn cước công dân cho 139 cơ sở y tế (đạt 100%) phục vụ hiệu quả công tác khám chữa bệnh BHYT. Tổ chức cấp tài khoản ngân hàng cho đối tượng an sinh xã hội đạt 34,3% (12.163/35.470 đối tượng); tiến hành chi trả không dùng tiền mặt đạt 26,1% (9,240 đối tượng). Chi trả chế độ chính sách hỗ trợ bằng hình thức không dùng tiền mặt cho 57.086 học sinh, đạt 31,4%. Về nhóm phục vụ phát triển công dân số, đến ngày 29/5/2023, toàn tỉnh đã thu nhận hồ sơ căn cước công dân đạt 100%; tính đến 14/7/2023, toàn tỉnh thu nhận 332.742 hồ sơ định danh điện tử (đạt 73,53%), kích hoạt 241.460 tài khoản (đạt 54%).
Thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quá trình triển khai các mô hình mang lại nhiều tiện ích, giá trị cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương như: Mô hình xây dựng tối thiểu 20 dịch vụ công không sử dụng hồ sơ giấy; quản lý chương trình an sinh xã hội thông qua VNeID; triển khai tại các điểm công chứng, chứng thực; quản lý lưu trú; triển khai camera AI kiểm soát ra vào tại khu du lịch, nhà ga, bến tàu, khu công nghiệp; mô hình triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện; bệnh viện thông minh; chuẩn xác, xác thực tập trung (SSO) trên hệ thống nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia (VDXP).
Thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 của 2 tỉnh Điện Biên và Thừa Thiên Huế đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về một số nội dung: Bố trí nguồn lực để thực hiện Đề án 06; kinh nghiệm làm sạch dữ liệu về trẻ em; triển khai thực hiện chữ ký số; các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện Đề án 06; chi trả không dùng tiền mặt đối với đối tượng bảo trợ xã hội, người có công. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên đề xuất hợp tác toàn diện giữa Sở Thông tin và Truyền thông 2 tỉnh để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về triển khai các nội dung thuộc Đề án 06.
Cùng ngày, đại diện lãnh đạo và chuyên viên các sở: Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Y tế của tỉnh Điện Biên đã đi tham quan thực tế các mô hình triển khai Đề án 06 của tỉnh Thừa Thiên Huế để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm chuyên sâu theo nội dung được phân công thực hiện.