Cải cách thủ tục hành chính tạo đột phá phát triển

08:20 - Thứ Bảy, 29/07/2023 Lượt xem: 4948 In bài viết

ĐBP - Ðẩy mạnh phân cấp, phân quyền để giảm tầng nấc, khâu trung gian; đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính (TTHC) nội bộ trong hệ thống hành chính Nhà nước; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục của cơ quan hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn; việc công bố, công khai các TTHC được các cấp, ngành, đơn vị thực hiện tạo thuận tiện trong tiếp cận… Ðó là cảm nhận của nhiều người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khi đến giải quyết TTHC tại các cơ quan hành chính Nhà nước thời gian qua.

Cán bộ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Ðiện Biên Ðông kiểm tra tiến độ giải quyết hồ sơ TTHC.

Tỉnh Ðiện Biên xác định cải cách TTHC là khâu đột phá trong cải cách nền hành chính Nhà nước; đồng thời xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Từ đó giúp cơ quan Nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở đó, hàng năm UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện. Các địa phương, sở, ngành đã chủ động rà soát, xây dựng, ban hành quyết định công bố danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết; tăng cường trách nhiệm trong giải quyết các TTHC cho tổ chức, cá nhân. Thực hiện công khai đầy đủ, đúng quy định tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC và đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia; tổ chức thực hiện việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Ðồng thời triển khai có hiệu quả việc đổi mới thực hiện cơ chế “một cửa”, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 30 quyết định công bố danh mục TTHC (trong đó chuẩn hóa và công bố mới 179 thủ tục; kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế 150 thủ tục; bãi bỏ 45 thủ tục). Ðã cập nhật công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia 30 quyết định với 329 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tổng số TTHC đang có hiệu lực trên địa bàn tỉnh là 1.774 thủ tục. Trong đó các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh là 1.411 thủ tục; cấp huyện 308 thủ tục; cấp xã 160 thủ tục (bao gồm cả các TTHC liên thông giữa các cơ quan, đơn vị).

Trong triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, đến nay 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, huyện, xã đã thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, cơ bản đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất và bố trí công chức có trình độ, năng lực. Chất lượng giải quyết TTHC ngày càng nâng cao. Riêng trong quý II/2023, tổng số hồ sơ TTHC toàn tỉnh đã tiếp nhận 72.898 hồ sơ. Trong đó, đã giải quyết 71.463 hồ sơ (trước hạn 60.166 hồ sơ, đúng hạn 11.164 hồ sơ, quá hạn 133 hồ sơ); 1.435 hồ sơ đang được giải quyết.

Ðến nay hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu về cải cách TTHC năm 2023 trên địa bàn tỉnh được thực hiện có hiệu quả và đạt chỉ tiêu. 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền được công khai và niêm yết đầy đủ. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ TTHC đạt 69%. Số lượng hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến tăng đều qua các kỳ góp phần cải cách TTHC, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tiếp tục được triển khai thực hiện đồng bộ tại tất cả các cơ quan, đơn vị; đến ngày 14/6/2023 đã thực hiện số hóa được 3.973 hồ sơ TTHC (đạt 77,37%) và 1.416 kết quả giải quyết TTHC (đạt 34,05%).

Qua kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công trên môi trường điện tử quý II/2023, có 17/18 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh thực hiện, trong đó 16 đơn vị xếp loại từ khá trở lên và 1 đơn vị xếp loại yếu; đối với cấp huyện 10/10 địa phương xếp loại khá trở lên. Nhiều đơn vị đã rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, giảm thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp. Ðiển hình như Sở Kế hoạch và Ðầu tư đã cắt giảm thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ 3 ngày làm việc theo quy định xuống còn 1,3 ngày làm việc...

Bên cạnh những kết quả tích cực, TTHC vẫn là vấn đề phàn nàn của không ít người dân. Tình trạng người dân, doanh nghiệp phải “chạy đi, chạy lại” khi thực hiện thủ tục vẫn còn tiếp diễn; tình trạng chậm giải quyết thủ tục còn diễn ra. Ðiều này đã vô hình trung tạo cơ hội cho một số trường hợp tiêu cực, nhũng nhiễu làm khó người dân, doanh nghiệp. Các lĩnh vực TTHC phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp là thuế, phí, giải phóng mặt bằng và xây dựng. Trong đó, giải quyết hồ sơ đất đai là vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp gặp phải nhất. Bên cạnh đó, tình trạng trả chi phí không chính thức mặc dù có xu hướng giảm song vẫn nhiều doanh nghiệp cho biết đang phải chi trả các chi phí này trong quá trình hoạt động kinh doanh (doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức)

Ðể khắc phục tình trạng trên cần phải thực hiện nghiêm yêu cầu công khai, minh bạch TTHC để người dân, doanh nghiệp nắm được; quyết tâm hơn nữa trong việc rà soát cắt giảm các quy định, TTHC đang là rào cản. Trong đó, cần tập trung cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC đối với lĩnh vực như: Ðầu tư, kinh doanh, xây dựng, đất đai, thuế... Ngoài việc minh bạch về quy định, thủ tục, thì việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ là rất cần thiết. Cùng với đó, phải có chế tài mạnh, xử lý nghiêm minh cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết các TTHC.

Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top