Vấn đề kỳ này

Ðể cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm

09:15 - Thứ Năm, 03/08/2023 Lượt xem: 6180 In bài viết

ĐBP - Việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu, kỳ vọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công một số dự án trọng điểm rất chậm; việc đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất không thực hiện được ảnh hưởng đến thu ngân sách trên địa bàn. Việc vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao... Ðây là những hạn chế đã được chỉ ra, xác định nguyên nhân để có giải pháp khắc phục. Bên cạnh nguyên nhân khách quan thì nguyên chủ quan vẫn là chủ yếu. Ðó là yếu tố con người bởi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, công việc muốn chạy thì cán bộ phải tận tâm, tận lực. Vậy làm sao để tạo môi trường cho cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm?

Xác định nguyên nhân chủ quan dẫn tới những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh thời gian qua đã chỉ rõ một số cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, chưa phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương thực thi công vụ. Tinh thần trách nhiệm, ý thức làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; năng lực tham mưu quản lý, điều hành ở một số địa phương, cơ quan chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu, đồng thuận với các chủ trương phát triển kinh tế, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư một số dự án còn hạn chế… Trong khi đó, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua có nhiều chuyển biến; một số vụ án, vụ việc được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo đã phần nào tác động tới tinh thần, trách nhiệm làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Một số vụ việc như vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Trung tâm Quản lý đất đai TP. Ðiện Biên Phủ; vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Giáo dục và Ðào tạo… đã khiến không ít cán bộ, công chức, viên chức có tâm lý nghe ngóng, đợi xem sao. Ðây là những vụ việc tác động ít nhiều đến tâm lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhất là những người trực tiếp triển khai nhiệm vụ. Người sợ sai, sợ trách nhiệm mà không dám làm hoặc làm cầm chừng. Có người cho rằng làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai càng tạo nên tâm lý không muốn làm quyết liệt, sâu sát công việc.

Cán bộ năng lực yếu có thể được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, lý luận chính trị từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ðội ngũ cán bộ cấp tỉnh hiện nay đã có 72,9% trình độ chuyên môn đại học trở lên và trên 20% được đào tạo lý luận chính trị trung cấp, cao cấp. Hàng năm, tỉnh đều cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng vị trí việc làm. Tuy nhiên, khó khăn nhất là một bộ phận cán bộ, đảng viên cho rằng, làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi không biết có sai hay không, thậm chí không biết sai chỗ nào. Thêm vào đó là tình trạng thu mình, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý theo kiểu “mình không động chạm đến họ, họ sẽ không động chạm mình”. Ðiều đó dẫn tới tình trạng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy nhiệm vụ. Ðây là vấn đề cần giải pháp cụ thể, quyết liệt tạo chuyển biến trong thực thi công vụ.

Biết sai để tránh không vi phạm là tốt nhưng đến mức không dám làm vì sợ sai, sợ trách nhiệm cần phải xem lại. Khi được tuyển dụng, bổ nhiệm, kết nạp Ðảng, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đều khẳng định sẽ mang hết khả năng và tinh thần trách nhiệm với công việc; phấn đấu rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức công vụ… vào công việc. Vậy nên nếu giờ đây cán bộ làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm, sợ trách nhiệm thì cũng cần phải rà soát, xử lý theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Vấn đề cán bộ chính là căn nguyên của mọi vấn đề, cần được xem xét, xử lý thấu đáo. Cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ sai làm cầm chừng… sẽ kìm hãm sự phát triển, công việc không trôi chảy, nhiệm vụ không thể hoàn thành đúng tiến độ, kế hoạch. Các vụ án, vụ việc đưa ra theo dõi, chỉ đạo, xét xử cũng là cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhìn lại công việc của mình, tự soi, tự sửa để có hành động đúng, trách nhiệm với công việc.

Hà Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top