Thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu

15:27 - Thứ Năm, 03/08/2023 Lượt xem: 4080 In bài viết

Sáng 3/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá về kết quả công tác điều hành giá 7 tháng đầu năm và những tháng còn lại của năm 2023.

Đồng chí Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá. (Ảnh VGP/Quang Thương)

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài chính, phát biểu tại cuộc họp đại diện các bộ, ngành (Văn phòng Chính phủ, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thống kê…) bày tỏ đồng thuận cao với báo cáo rất đầy đủ, toàn diện của Bộ Tài chính, đồng thời thống nhất cho rằng trong những tháng đầu năm nguồn cung các hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, giá cả cơ bản ổn định, diễn biến đúng với kịch bản điều hành giá cả Ban Chỉ đạo đã đề ra…

Các bộ, ngành đánh giá, từ nay đến cuối năm, dư địa điều hành giá “dễ thở hơn”, đủ điều kiện để có thể xem xét lộ trình điều chỉnh các mặt hàng, dịch vụ nhà nước quản lý theo lộ trình thị trường vào thời điểm thích hợp để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, đồng thời bảo đảm sự đồng thuận xã hội.

Các ý kiến cho rằng, trong điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cần tận dụng dư địa mục tiêu lạm phát 4,5% trong năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt để chủ động thực hiện các phương án giá theo lộ trình quy định và phù hợp với biến động của các yếu tố hình thành giá theo diễn biến thị trường đồng thời giảm bớt áp lực sang các năm tiếp theo.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Bảo đảm cung cầu hàng hóa, chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu. (Ảnh VGP/Quang Thương)

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao những kết quả đã đạt được cũng như sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các biện pháp điều hành giá thời gian qua; đề nghị, trong những tháng còn lại của năm 2023, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, bám sát các kịch bản đã đề ra, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây lạm phát trong nước; thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng mà Nhà nước quản lý.

Bảo đảm cung cầu hàng hóa, chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, nhất là để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao trong các dịp lễ, Tết cuối năm...; tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm kịp thời, minh bạch, đầy đủ thông tin về giá và công tác điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

Các địa phương chủ động thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật khi hàng hóa có biến động bất thường.

Phó Thủ tướng cũng nêu ý kiến cụ thể liên quan đến quản lý giá đối với một số mặt hàng thiết yếu, theo đó, đối với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để sẵn sàng các biện pháp phù hợp; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước; không để thiếu hụt, đứt gẫy nguồn cung xăng dầu. Sớm hoàn thiện để trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg...

Bộ Công thương đôn đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo phương án giá điện cập nhật hàng quý năm 2023 để thực hiện giá bán điện theo quy định; sớm hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Công thương theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình sản xuất và nguồn cung, nhất là các nông sản vào chính vụ để định hướng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế các yếu tố tác động đến giá cả, bảo đảm lợi ích của người dân, doanh nghiệp và đất nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tổng thể các yếu tố tác động, trên cơ sở đó đề xuất lộ trình, mức độ điều chỉnh phù hợp.

Về giá dịch vụ y tế, Bộ Y tế khẩn trương rà soát, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; bảo đảm nguồn cung, nhất là các loại vật liệu phục vụ xây dựng các công trình giao thông, các công trình trọng điểm.

Bộ Giao thông vận tải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, nhất là giai đoạn cuối năm khi nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa tăng cao.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp, đáp ứng nhu cầu trong nước và mục tiêu quản lý lạm phát; giao Bộ Tài chính triển khai thực hiện nghiêm Luật Giá số 16/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top