Sinh hoạt tư tưởng

Ngại được nêu gương

09:20 - Thứ Tư, 09/08/2023 Lượt xem: 5650 In bài viết

ĐBP - Sợ, ngại, né khi được nêu gương; hiện tượng này không hiếm trong thực tế. Nguyên nhân của tình trạng này thì nhiều, có thể đến từ sự nhận thức chưa chuẩn của chủ thể được khen thưởng, nêu gương; song cũng có thể đến từ những yếu tố bên ngoài. Nhưng dù là nguyên nhân gì, thiết nghĩ cũng không nên và cần tìm hướng để khắc phục.

Vừa qua, trong một lần gặp gỡ, cà phê cùng bạn bè, việc sợ, ngại, né nêu gương được đám bạn tôi bàn luận. Có bạn tỏ thái độ không đồng tình ủng hộ tình trạng sợ, ngại, né nêu gương; dù là ở tập thể hay cá nhân. Bởi vì, theo bạn trong tập thể không thi đua, đánh giá tổng kết, khen thưởng thì không có động lực phát triển, tiến bộ. Ðã thi đua, khen thưởng, lại không nêu gương thì làm sao nhân rộng được mô hình tốt, cách làm hay, cá nhân xuất sắc... Còn trong trường hợp, được khen thưởng, muốn được thưởng; nhưng lại sợ, ngại, né nêu gương thì có thể là do nhận thức chưa đúng. Chỉ coi trọng phần thưởng cá nhân, phấn đấu vì quyền lợi vật chất, không coi trọng giá trị cao hơn của phong trào thi đua - nhân rộng điển hình để thúc đẩy phát triển tập thể...

Không hoàn toàn đồng tình, một người bạn làm doanh nghiệp chia sẻ. Năm vừa qua, tình trạng chung của doanh nghiệp là nhiều khó khăn. Nhưng doanh nghiệp của bạn nằm trong tốp khá của địa phương, vì thế được điểm trong một vài báo cáo về điển hình phục hồi tốt sau dịch. Ngay sau đó, khá nhiều việc phát sinh khiến cho doanh nghiệp phải cân đối; đầu tiên là không ít đơn vị thi nhau mời quảng cáo ủng hộ; rồi đủ các loại quỹ ở phố, phường, tỉnh đều đến kêu gọi quan tâm, có những quỹ ở cả 2 cấp phường, phố; còn chưa kể, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng chú ý hơn trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát... Dù làm đúng, cân đối để tham gia tốt nhất có thể, thì quả thực trên cương vị là người đứng đầu cũng muốn né, vì sau chừng ấy việc, đơn vị cũng nản...

Một bạn làm trong cơ quan nhà nước đặt vấn đề vẻ trầm tư hơn: Cũng không loại trừ có thể không muốn nêu gương công khai, vì việc thực hiện khen thưởng chưa công tâm, khách quan; càng nêu gương, tuyên truyền rộng càng lộ. Và theo như tôi thấy, trong những tập thể chưa đoàn kết, còn tình trạng ghen ghét, đố kỵ, có tư tưởng “trâu buộc ghét trâu ăn”. Trong tập thể ấy thì người làm tốt, cũng chưa chắc muốn được nêu gương...

Nêu gương, nhân rộng điển hình tốt để thúc đẩy thi đua, nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng. Ðây vừa là giải pháp, vừa là động lực để từng cá nhân tiến bộ, từng tập thể phát triển. Dù nguyên nhân của việc sợ, ngại, né được nêu gương là gì, đến từ đâu đi chăng nữa, thì cũng là vấn đề cần nghiêm túc suy nghĩ, tìm giải pháp tháo gỡ. Và tất nhiên, cũng như nguyên nhân phát sinh, việc tháo gỡ cũng cần đến sự quan tâm điều chỉnh từ nhiều phía...

Thảo Vi
Bình luận

Tin khác

Back To Top