Chủ tịch nước gặp gỡ các nhà khoa học dự Hội nghị khoa học quốc tế “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ”

09:45 - Chủ Nhật, 13/08/2023 Lượt xem: 4248 In bài viết

Chiều 12-8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gặp mặt 56 nhà khoa học quốc tế và Việt Nam tham dự Hội nghị khoa học quốc tế “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ”. Hội nghị được tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, 10 năm hoạt động của Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đại diện các nhà khoa học cho rằng, Việt Nam là một quốc gia có lực lượng lao động trẻ, năng động, có tiềm năng và ý chí vươn lên. Việt Nam cũng hội tụ đầy đủ những yếu tố để phát triển khoa học cơ bản, thúc đẩy sự phát triển của tương lai. Nhiều nhà khoa học Việt Nam thành danh trong nước và quốc tế. Bày tỏ mong muốn sẵn sàng hợp tác và làm việc với Việt Nam, các đại biểu cho rằng, với những thế mạnh hiện có, Việt Nam cần tận dụng để phát triển khoa học, công nghệ xứng tầm với tiềm năng. Các nhà khoa học mong muốn có thêm nhiều điểm đến, thêm những mô hình trung tâm phát triển khoa học tương tự như ICISE tại Quy Nhơn, Bình Định để qua đó, đóng góp nhiều hơn cho khoa học và giáo dục của Việt Nam.

Các ý kiến cũng mong muốn Đảng, Nhà nước có những chính sách đảm bảo vị trí việc làm, môi trường làm việc chuyên nghiệp, hạn chế ràng buộc bởi thủ tục hành chính; tạo điều kiện để các nhà khoa học tham dự các hội nghị, hội thảo ở nước ngoài cũng như tạo điều kiện cho các nhà khoa học quốc tế sinh sống và làm việc tại Việt Nam…

Giáo sư Geradus‘t Hooft, Nobel Vật lý năm 1999 phát biểu. 

Vui mừng được gặp mặt, lắng nghe những ý kiến đánh giá và góp ý tâm huyết, chân thành của các nhà khoa học đối với sự phát triển của khoa học Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ghi nhận và đánh giá cao Hội khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” và đặc biệt là  những đóng góp bền bỉ của Giáo sư Trần Thanh Vân, Giáo sư Lê Kim Ngọc cũng như các nhà khoa học Hội Gặp gỡ Việt Nam trong suốt 30 năm qua cho khoa học, giáo dục tại Việt Nam. Cũng nhờ đó, Quy Nhơn, Bình Định trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu, làm việc của các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Thông qua những hoạt động như: Kết nối, liên kết hợp tác đào tạo hiệu quả, hỗ trợ hoạt động khoa học, đào tạo nhân lực chất lượng cao đã dẫn dắt, truyền cảm hứng, mở ra các hướng nghiên cứu, phát triển mới, tạo điều kiện cho sinh viên, thế hệ trẻ Việt Nam được tiếp cận, phát triển, nhất là trong lĩnh vực vật lý, khoa học cơ bản.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu. 

“Những việc Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã làm được, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của khoa học và giáo dục Việt Nam nói riêng, sự phát triển của đất nước Việt Nam nói chung”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam đi lên từ một đất nước trải qua chiến tranh với nhiều vết thương cần hàn gắn, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, sau gần 40 năm đổi mới, đến nay Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trên nhiều lĩnh vực. Vị thế, uy tín và các mối quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng, nâng cao, đóng góp vào sự phát triển bền vững, vào hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới. Khẳng định trong thành công của Việt Nam có sự đóng góp to lớn của lực lượng trí thức kiều bào, của bạn bè quốc tế, nhân dịp này Chủ tịch nước biểu dương, đánh giá cao gia đình hai Giáo sư Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc - những trí thức khoa học tiêu biểu, mẫu mực, đã rất thành danh ở nước ngoài nhưng theo tiếng gọi của trái tim, của tình yêu đối với Tổ quốc đã trở về nước và hoạt động không mệt mỏi, vượt qua những rào cản, trở ngại, xây dựng và cống hiến, làm được nhiều việc thiết thực và ý nghĩa cho sự nghiệp khoa học và giáo dục Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước chân thành cảm ơn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và học giả ở nhiều độ tuổi, màu da khác nhau, quốc tịch khác nhau, nhưng cùng gặp gỡ trong tình yêu khoa học, tình yêu đối với Việt Nam và trong những nỗ lực cùng nhau vun bồi những giá trị tốt đẹp cho nhân loại.

Nhắc tới những thách thức, khó khăn, cũng như những cơ hội, tiềm năng bứt phá để hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hạnh phúc cho nhân dân, Chủ tịch nước cho biết, Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng nhận thức rõ một quốc gia muốn bứt phá và phát triển cần có nền khoa học và giáo dục phát triển mạnh mẽ. Trên con đường đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển đất nước, thực hiện khát vọng, tầm nhìn đến 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu.

Nhấn mạnh: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, là “vốn quý của dân tộc”, Chủ tịch nước nêu rõ, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn mong muốn tài năng của mỗi cá nhân được phát huy, yếu tố con người luôn đặt ở trung tâm của sự phát triển. Khẳng định, Việt Nam xác định trí thức là lực lượng lao động đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Chủ tịch nước nêu rõ, Việt Nam luôn chú trọng thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh để nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, xem đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững.

“Một dân tộc không thể tự hào vươn ra thế giới nếu không có đội ngũ trí thức tài năng.” Chủ tịch nước nói.

Trích dẫn câu nói của Albert Einstein: “Luật hấp dẫn không chịu trách nhiệm về việc con người ta yêu nhau”. Chủ tịch nước cho rằng, Việt Nam còn là một quốc gia có nhiều khó khăn, điều kiện để thu hút, hấp dẫn có thể chưa bằng các nước phát triển, nhưng các nhà khoa học vẫn nhiệt thành đến với Việt Nam, vì tình yêu, sự cảm mến không điều kiện, rất chân thành và tự nhiên. Sức hút của Việt Nam có lẽ đến từ văn hóa, từ những nụ cười, từ niềm lạc quan, bằng lòng hòa hiếu, mến khách, sự cầu thị học hỏi và đến từ những con người yêu nước nồng nàn, coi trọng các giá trị vững bền.

Chủ tịch nước mong muốn thời gian tới, Việt Nam tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các nhà khoa học quốc tế, các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học kiều bào. Thông qua hợp tác và kết nối, giao lưu có thể vun đắp, hỗ trợ, tạo cảm hứng, dẫn dắt trong nghiên cứu khoa học cho các nhà khoa học trẻ của Việt Nam ở trong và ngoài nước, tiếp đón thêm nhiều nhà khoa học trên thế giới, có nhiều gợi ý chính sách, những kinh nghiệm quý báu về phát triển và phát triển bền vững, để khoa học, giáo dục đóng góp nhiều nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, qua đó, đóng góp chung vào thành tựu của khoa học thế giới.

Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, trong đó có tỉnh Bình Định, tiếp tục đồng hành hiệu quả, tích cực phối hợp hành động, hỗ trợ Hội Gặp gỡ Việt Nam hiện thực hóa các ý tưởng, dự án tốt đẹp, khả thi dành cho khoa học, giáo dục nước nhà, nhất là những vấn đề mang tầm chiến lược trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Bên cạnh đó, cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện, cơ chế thu hút các nhà khoa học quốc tế đến với Việt Nam nhiều hơn, bền chặt hơn. Đặc biệt, phát huy được tiềm năng, xây dựng được các mạng lưới quy tụ các nhà khoa học Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài về cống hiến cho đất nước, cho nền khoa học và giáo dục nước nhà, để Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với thế giới về mọi mặt, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam phồn thịnh, phát triển bền vững trên nền tảng của khoa học và giáo dục chất lượng.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top