Ðổi thay trên mảnh đất lịch sử

09:21 - Thứ Sáu, 18/08/2023 Lượt xem: 6143 In bài viết

ĐBP - Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã trôi qua 78 năm nhưng hào khí, tinh thần của Cách mạng Tháng Tám là động lực tinh thần to lớn để toàn Ðảng, toàn dân ta xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Ðược sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết liệt, sâu sát của Tỉnh ủy, HÐND, UBND, cán bộ chiến sĩ và Nhân dân các tộc trên mảnh đất lịch sử đã đoàn kết, xây dựng Ðiện Biên ngày càng phát triển hướng tới trở thành trung tâm của khu vực Tây Bắc.

Một góc TP. Ðiện Biên Phủ hôm nay. Ảnh: Anh Nguyễn

Hồi ức những người trong cuộc

Chúng tôi có dịp trò chuyện với cựu chiến binh Phan Anh Lâm ở tổ dân phố 3, thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng), ông là chiến sĩ Ðiện Biên năm xưa, là nhân chứng sống của những trận đánh ác liệt tại chiến trường Ðiện Biên Phủ. Tại chiến trường Ðiện Biên Phủ ông Lâm được biên chế vào Trung đoàn 144, Sư đoàn 312, tham gia nhiều trận đánh như: Trận đánh đồi E, đồi D, phòng ngự phía Bắc sân bay Mường Thanh... Năm nay đã 93 tuổi nhưng ông Lâm vẫn còn minh mẫn. Nói về sự đổi thay trên chiến trường Ðiện Biên Phủ, ông Lâm chia sẻ: Sau khi kết thúc chiến dịch đơn vị được lệnh rút về Phú Thọ, Ðiện Biên Phủ lúc ấy là bãi chiến trường, bị đào xới, băm nát bởi bom đạn. Ðến nay, Ðiện Biên Phủ đã “thay da đổi thịt” với nhiều kỳ tích. Ðiện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang; văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm; đời sống người dân được cải thiện rõ nét, không còn “giặc đói”, “giặc dốt”. Tôi vẫn được con cháu đưa vào thăm lại chiến trường xưa. Giờ đây giao thông thuận tiện, từ Mường Ảng đến TP. Ðiện Biên Phủ chỉ khoảng 50 phút chạy xe. Thành phố mỗi năm như được khoác thêm áo mới, với cơ sở hạ tầng khang trang, nhiều công trình lớn được đưa vào sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ðặc biệt là tình hình an ninh chính trị của tỉnh luôn ổn định, chủ quyền biên giới được giữ vững, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.

Là người con Thái Bình lên tham gia xây dựng kinh tế mới từ những năm đầu sau khi kết thúc Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, ông Vũ Ðức Lợi, nguyên Bí thư chi bộ làng Thanh Bình, xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên) kể lại: 59 năm về trước, khi đặt chân lên Ðiện Biên tôi mới 17 tuổi, điều kiện cơ sở vật chất tại nơi ở mới khó khăn vất vả, chưa có đường giao thông, xa chợ xa trường học, toàn hàng rào thép gai, ngổn ngang hố bom, bãi mìn, lau lách rậm rạp. Các hộ dân phải khai khẩn đất hoang, tháo gỡ hàng rào thép gai, san lấp giao thông hào, hố bom lấy đất làm ruộng. Ðến cuối năm 1964 khai hoang được 8ha ruộng, từ đây những cánh đồng lúa, ngô, sắn đã phủ một “màu xanh hi vọng” lên những bãi mìn, hố bom, giao thông hào trên chiến trường xưa. Bây giờ Ðiện Biên đã có bước phát triển, đặc biệt là về giao thông, với cả đường bộ, đường hàng không.

Nỗ lực phát triển

Mỗi giai đoạn phát triển, Ðiện Biên đều đối diện với nhiều khó khăn thách thức, song đã nỗ lực vượt qua để đến nay đạt được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đối với cả nước, khu vực và thế giới trong 3 năm qua, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của Tỉnh ủy, HÐND, UBND bám sát chủ trương, định hướng của Trung ương, tỉnh Ðiện Biên đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Nhờ đó, các mục tiêu phát triển luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh từ tỉnh đến cơ sở; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo. Tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được tăng cường; sức mạnh của các lực lượng vũ trang đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm được đẩy mạnh và có hiệu quả.

Những năm qua tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhờ đó diện mạo đô thị và nông thôn ngày càng đổi mới. Mạng lưới giao thông toàn tỉnh được phát triển mở rộng. Các công trình giao thông trọng điểm như: Ðường 60m (TP. Ðiện Biên Phủ); đường nội thị 42m, 27m (huyện Mường Ảng)... hoàn thành đưa vào sử dụng không chỉ làm bộ mặt các đô thị thêm khang trang, hiện đại mà còn tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Hệ thống giao thông được nâng cấp, đảm bảo ô tô đến được 100% xã đã kéo gần khoảng cách giữa các vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho khu vực nông thôn, vùng cao biên giới. Ðến nay, toàn tỉnh có 21/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 122 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 26 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm còn 36,57%.

Công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số được các cấp chính quyền quan tâm thực hiện quyết liệt không chỉ phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn mà còn đổi mới, nâng cao hiệu lực hiệu quả chỉ đạo điều hành. Ðến nay việc thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử có chữ ký số giữa các cơ quan hành chính Nhà nước đã được triển khai từ tỉnh đến cơ sở và đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp rút ngắn thời gian xử lý, giảm giấy tờ, đảm bảo công khai minh bạch.

Phát huy những kết quả đã đạt được, để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với quyết tâm “đưa Ðiện Biên phát triển nhanh và bền vững”, tỉnh Ðiện Biên tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài. Trong đó tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại, trọng tâm là: Dự án Ðầu tư xây dựng, mở rộng Cảng Hàng không Ðiện Biên; các tuyến đường kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12; dự án cao tốc Ðiện Biên - Sơn La. Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ vào năm 2024, tỉnh Ðiện Biên đã triển khai nhiều chương trình, nhận được sự quan tâm ủng hộ của Trung ương, các tỉnh thành trong cả nước như: Chương trình “Bừng sáng Ðiện Biên” với mục tiêu cấp điện cho trên 11 nghìn hộ dân vùng khó khăn; triển khai xây dựng 5.000 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo.

Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top