Phân loại chữ ký điện tử để sử dụng an toàn, lành mạnh

10:49 - Thứ Ba, 22/08/2023 Lượt xem: 5603 In bài viết

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là một trong những dự án luật nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và xã hội.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận, cho nhiều ý kiến tại tổ và hội trường, qua đó, các cơ quan liên quan rà soát kỹ lưỡng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (gồm 26 luật và các văn bản quy định chi tiết) và điều ước quốc tế 9 văn bản) liên quan những nội dung đề cập trong dự án luật này.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật chỉnh lý nội dung giải thích từ ngữ về “Chữ ký số”, “Chữ ký điện tử” tại Điều 3. Liên quan chữ ký điện tử, có ý kiến đề nghị cần làm rõ nội hàm của chữ ký số, chữ ký điện tử; đề nghị làm rõ các hình thức OTP, SMS hay sinh trắc học có phải là chữ ký điện tử không?

Ngoài ra, Điều 25 dự thảo luật đã phân loại chữ ký điện tử theo phạm vi sử dụng bao gồm chữ ký điện tử chuyên dùng; chữ ký số công cộng và chữ ký số chuyên dùng công vụ. Đối với ý kiến đề nghị bổ sung quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các biện pháp xác thực bằng phương tiện điện tử khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu bổ sung khoản 4 Điều 25 quy định về các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử mà không phải là chữ ký điện tử thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành, phù hợp thực tiễn triển khai.

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn đại biểu Quốc hội Khánh Hòa) cho biết: Tại các điều 12, 14 và 22 của dự thảo luật quy định giá trị của thông điệp dữ liệu chứng thư điện tử trong một số trường hợp theo hướng dẫn chiếu đến các quy định pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, theo đại biểu phân tích, hiện tại các quy định pháp luật về công chứng, chứng thực, tố tụng và chứng nhận lãnh sự hợp pháp hóa lãnh sự “chưa có quy định dành cho việc công chứng, chứng thực thông điệp dữ liệu, sử dụng thông điệp dữ liệu làm chứng cứ hợp pháp hóa lãnh sự, chứng thực một chứng thư điện tử”…

Đề nghị cần rà soát rõ chủ thể có quyền chuyển đổi giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu, ông Đỗ Ngọc Thịnh và một số đại biểu khác đề nghị cân nhắc xem xét cần thiết phải sửa đổi quy định ở cấp độ các bộ luật, luật hay chỉ cần ban hành quy định sửa đổi, bổ sung hướng dẫn ở cấp độ nghị định có liên quan đến công chứng, chứng thực thông điệp dữ liệu, sử dụng thông điệp dữ liệu làm chứng cứ hay hợp pháp hóa lãnh sự, chứng thực lãnh sự một chứng thư điện tử.

Chung quanh nhiều điểm mới trong dự thảo luật, các đại biểu đề nghị: Để quy định ban hành được nhanh chóng áp dụng trên thực tế, cơ quan soạn thảo có thể tham vấn thêm ý kiến của các cơ quan quản lý chuyên ngành như Bộ Tư pháp, các cơ quan liên quan cần nghiên cứu kỹ lưỡng bài học kinh nghiệm về các quy định từ các nước đã áp dụng; trong đó có việc rà soát rõ chủ thể có quyền chuyển đổi giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu.

Đối với quy định tại Điều 25 về chữ ký điện tử, dự thảo luật được bổ sung quy định khung về các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử không phải là chữ ký điện tử trong các giao dịch thương mại điện tử, các bên không sử dụng chữ ký để thực hiện việc mua bán hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử… Theo dự thảo luật, hình thức của chữ ký điện tử chỉ bao gồm một trong ba loại sau: Chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký số công cộng, chữ ký số chuyên dùng công vụ; về nội dung này, đại biểu cho rằng quy định này chưa sát thực tiễn giao kết giao dịch trên môi trường điện tử. Mặt khác, các đại biểu cho rằng chữ ký scan và chữ ký hình ảnh có thể không xếp vào bất kỳ loại chữ ký điện tử nào quy định tại Điều 25; do đó, giá trị pháp lý cho hai loại chữ ký này chưa đủ điều kiện để công nhận. Đây là loại hình tương đối phổ biến và áp dụng nhiều trong thực tiễn.

Cho ý kiến về những điểm mới, đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) cũng đề nghị cơ quan của Quốc hội, cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ thực trạng hiện nay, trên không gian mạng đang có nhiều trường hợp lợi dụng, lừa đảo trong giao dịch điện tử. Để bảo đảm quyền lợi của người thực hiện giao dịch, xây dựng môi trường giao dịch lành mạnh, đại biểu cho rằng dự thảo luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp, chế tài xử lý các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên nền tảng số. Cần có quy định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc xác minh, làm rõ, giám sát, xử lý các vi phạm, bảo đảm giao dịch trên môi trường số an toàn, lành mạnh.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top