Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim Điện Biên

09:24 - Thứ Sáu, 25/08/2023 Lượt xem: 10750 In bài viết

ĐBP - Nhớ tới Điện Biên, không ai có thể quên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của 69 năm về trước. Chiến thắng vĩ đại đó gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đến nay, cho dù Đại tướng không còn nữa, nhưng tình cảm, tấm lòng người Điện Biên hướng về Người vẫn luôn vẹn nguyên, sâu đậm…

Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuộc Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ.

Đã gần 7 thập kỷ trôi qua, mảnh đất chiến trường Điện Biên Phủ năm nào đã thay da đổi thịt, trở thành điểm sáng ở cực Tây Tổ quốc. Những người làm nên chiến thắng vĩ đại ấy vẫn khắc sâu ký ức về ngày tháng hào hùng. Những người lính từng được chiến đấu dưới sự chỉ huy tài ba của Đại tướng Võ Nguyên Giáp càng không thể quên được kỷ niệm năm xưa, nhất là với những chiến sĩ có may mắn gặp gỡ Đại tướng ngay tại chiến trường khốc liệt. Một trong số những người lính đó là Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Hữu Chấp, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ. Đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng lần nào nhắc đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Chấp cũng đều xúc động. Lần này, khi được hỏi về kỷ niệm được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông không khỏi bồi hồi. Ông Chấp kể: “Tôi có may mắn được gặp Đại tướng mấy lần. Lần đầu tiên là vào năm 1953, tại đại hội mừng công của Sư đoàn 312, ở khu rừng huyện Hạ Hòa. Ngày ấy cả Bác Hồ và Đại tướng cùng về dự. Tôi còn nhớ Đại tướng còn ân cần dặn dò, giao nhiệm vụ cho các con em cán bộ trung, cao cấp chuẩn bị được cử đi học văn hóa. Còn ở trận Điện Biên Phủ thì vào cuối tháng 3, khi ta chuẩn bị nổ súng đánh đồi D1. Hôm ấy là khoảng 19h, ngày 28/3, anh em chúng tôi đang đào công sự chuẩn bị cho trận đánh thì Đại tướng tới. Trời tối nên lúc đầu chúng tôi cũng không nhận ra ai. Tôi nhớ Đại tướng nói giọng Quảng Bình, trao đổi cùng với đồng chí Tiểu đoàn trưởng của chúng tôi cũng là người Quảng Bình. Đến khi có một chiến sĩ quẹt diêm châm thuốc, ánh lửa bừng lên chúng tôi mới nhận ra người từ nãy đến giờ nói chuyện là Đại tướng đến thăm, động viên anh em chiến sĩ… Hơi bất ngờ nhưng thấy Đại tướng gần gũi, ân cần hỏi thăm, chúng tôi cũng không còn thấy ngại...”.

“Sau này khi chiến thắng, chúng tôi không ở lại dự lễ mừng công tại Mường Phăng mà tức tốc lên đường chuẩn bị cho trận đánh lớn khác nếu Pháp không ký Hiệp định Giơ-ne-vơ. Bởi vậy, tôi không còn dịp nào được gặp Đại tướng nữa. Nhưng trong tâm trí tôi luôn tôn trọng và bội phục Người. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng toàn quyền quyết định nên trọng trách rất lớn lao. Việc thay đổi chiến thuật từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, Đại tướng đã phải thức trắng cả đêm để suy nghĩ. Tôi nghe anh em phục vụ ngày ấy kể đêm đó Đại tướng nằm sốt, nóng ran hết cả người, phải lấy lá rừng đắp lên trán… Thế nhưng quyết định khó khăn đó lại làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” như chúng ta đã biết. Đó là quyết định sáng suốt, sự thay đổi về cách đánh, chiến thuật cực kỳ chính xác của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” – Ông Nguyễn Hữu Chấp tâm sự.

Cán bộ, lực lượng vũ trang, người dân xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Với người dân mảnh đất Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ – nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa cũng chưa bao giờ thôi nhớ về Đại tướng. Những hình ảnh, lời dặn của Người khi lần cuối cùng về thăm nơi đây vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí đồng bào các dân tộc Mường Phăng. Càng ý nghĩa hơn với người dân Mường Phăng khi cuối năm 2021, Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xây dựng, tượng bán thân của Người được rước về an vị và thờ phụng tại đây. Ngắm nhìn tượng thờ Đại tướng an vị trên ban, người dân Mường Phăng và du khách gần xa đều tưởng nhớ về một nhà chiến lược quân sự lỗi lạc, một vị tướng huyền thoại, mang quân phục Đại tướng, trên ngực áo rực rỡ Huân chương Sao Vàng. Khuôn mặt Người thể hiện thần thái uy nghi, nghiêm nghị với vầng trán cao, đôi mắt nhân từ, ấm áp, gần gũi và rất đỗi bình dị… Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng chia sẻ: “Đối với người dân Mường Phăng, Đại tướng như người cha, người ông của bà con nơi đây. Với tình cảm dành cho Mường Phăng, Người đã viết thư gửi Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đề nghị cho xây dựng hồ thủy lợi Loọng Luông để lấy nước tưới cho người dân sản xuất. Tên công trình là Loọng Luông nhưng từ khi khánh thành đến nay người dân Mường Phăng vẫn thân thương gọi là Hồ Đại tướng… Không những thế, người dân nơi đây còn nhớ như in lời Đại tướng căn dặn khi về thăm Mường Phăng lần cuối. Đó là phải giữ rừng khu vực Hầm Đại tướng thật tốt, phải tập trung xóa đói giảm nghèo. Còn nữa, phải cho con em mình học hành đến nơi đến chốn và giữ gìn mối đoàn kết các dân tộc trên địa bàn xã Mường Phăng nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung…”.

Nhân dân xã Mường Phăng xem lại những hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn bó với Điện Biên.

“Tưởng nhớ người anh hùng của dân tộc, vào dịp kỷ niệm ngày sinh Đại tướng 25/8/2022, cấp ủy, chính quyền xã Mường Phăng đã tổ chức đoàn về thăm quê Người tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tại đây, đoàn công tác của xã Mường Phăng được cấp ủy, chính quyền xã Lộc Thủy tiếp đón tình cảm, nồng hậu như những người con của quê hương lâu ngày trở lại…” – Chủ tịch UBND xã Mường Phăng Lò Văn Hợp xúc động.

Không ai có thể chiến thắng được thời gian. Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ đã không còn nữa. Nhưng hình ảnh, dấu ấn của Người vẫn hàng ngày, hàng giờ hiện hữu trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng. Tên của Người được đặt cho tuyến đường chính chạy xuyên suốt trung tâm TP. Điện Biên Phủ. Và mới đây, nhân kỷ niệm 112 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Điện Biên Phủ”. Triển lãm gồm 66 bức ảnh tư liệu giới thiệu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chia thành 3 phần. Phần I với chủ đề Quê hương, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp; phần II Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ và phần III là tình cảm của Nhân dân Điện Biên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Triển lãm như một lời khẳng định tài thao lược, nghệ thuật quân sự tài tình và những đóng góp to lớn của Người trong cuộc kháng chiến chống Pháp nói chung và Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng… Đặc biệt, là tình cảm, tấm lòng của những người con Điện Biên ngày nay hướng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top