Phân cấp chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cần thông suốt, đồng bộ giữa các luật

20:50 - Thứ Tư, 30/08/2023 Lượt xem: 6148 In bài viết

ĐBP - Hôm nay (30/8), Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4 thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tham gia phát biểu ý kiến, đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thẩm quyền của chính quyền địa phương trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đề nghị sửa đổi trong dự thảo Luật Đất đai.

Đồng chí Lò Thị Luyến, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tham gia dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Không nhất trí giao Chính phủ quy định chi tiết

Việc chuyển mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của địa phương trong dự thảo luật được quy định tại khoản 2 Điều 14, khoản 5 Điều 72 và khoản 1 Điều 122. Theo đó, phân cấp thẩm quyền cho địa phương về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên sang mục đích khác, nhưng phải tuân thủ theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định. 

Như vậy, theo quy định của dự thảo luật, hạn mức và diện tích được chuyển mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của địa phương sẽ do Chính phủ quy định chi tiết. Trường hợp sử dụng đất thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư được dẫn chiếu thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, pháp luật về dầu khí.

Đại biểu cho rằng, Luật Đất đai là luật gốc, vậy thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải được quy định ở đây. “Hiện nay trong dự thảo luật giao cho Chính phủ quy định cụ thể việc này, vậy thì nghị định của Chính phủ có điều chỉnh được các luật trước đây đã ban hành hay không, do đó tôi chưa nhất trí nội dung này” - đại biểu Lò Thị Luyến nêu ý kiến.

Khó khăn của địa phương

Đại biểu Lò Thị Luyến thông tin, điểm b khoản 1, Điều 58, Luật Đất đai hiện hành có quy định là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng dưới 20ha. Khoản 3, Điều 20, Luật Lâm nghiệp năm 2017 cũng quy định "Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển dưới 20ha; rừng sản xuất dưới 50ha; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư".

Trước đây việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng ở các địa phương không có vướng mắc gì. Khó khăn là từ năm 2017, Chỉ thị 13-CT/TW được ban hành với quy định không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác. Nội dung này được thể chế tại khoản 2, Điều 14 Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định “Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt”. Như vậy, trong nội tại Luật Lâm nghiệp 2017, giữa khoản 2, Điều 14 và khoản 3, Điều 20 đã xung đột lẫn nhau.

“Tại khoản 3, Điều 20 cho phép Hội đồng nhân dân tỉnh chuyển mục đích sử dụng rừng như tôi đã nêu trích dẫn cụ thể, nhưng khoản 2, Điều 14 lại không cho; 1 mét đất bây giờ cũng phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thì mới chuyển được mục đích sử dụng rừng, do đó chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tôi đề nghị, đối với nội dung này cần quy định trong luật một cách cụ thể” - đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị.

Về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, tại điểm b, khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai hiện hành quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất lúa với diện tích dưới 10ha. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không quy định hạn mức nội dung này và giao cho Chính phủ quy định. 

Đối với trường hợp sử dụng đất thực hiện dự án, dự thảo luật dẫn chiếu thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công… Đại biểu phân tích, nếu căn cứ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án theo Luật Đầu tư công thì tiêu chí phân loại các dự án nhóm A, B, C được phân định dựa trên tổng mức đầu tư, không liên quan đến diện tích sử dụng các loại đất trồng lúa. Chỉ có dự án quan trọng quốc gia mới có tiêu chí về chuyển mục đích sử dụng đất lúa thuộc thẩm quyền Quốc hội được quy định tại khoản 3 Điều 7, đó là “Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500ha trở lên”. Như vậy hạn mức chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa để thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư chưa có luật nào quy định. 

Đề nghị sửa đổi luật, đảm bảo tính minh bạch, đồng bộ

“Địa phương đã ý kiến rất nhiều, mong muốn Trung ương hãy thấu hiểu địa phương và hãy quy định với những điều kiện làm sao đó thuận lợi cho địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội” - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị.

Thẩm quyền và hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất rừng và các loại đất khác phải được quy định ngay trong luật đảm bảo tương thích với các luật khác, thể hiện tính minh bạch, rõ ràng để có thể thực hiện một cách thống nhất. Dự thảo luật cần quy định một điều là bãi bỏ khoản 2, Điều 14, Luật Lâm nghiệp. Đề nghị Đảng đoàn Quốc hội có ý kiến với Ban Bí thư Trung ương Đảng tổng kết Chỉ thị 13-CT/TW và có kết luận rõ ràng để tháo gỡ cho các địa phương về vấn đề này.

Phát biểu tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận, liên quan đến thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh tiếp thu ý kiến của đại biểu Lò Thị Luyến và sẽ xin phép Quốc hội điều chỉnh Luật Lâm nghiệp để việc phân cấp được thông suốt, đồng bộ trong các luật.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top