Đổi thay trên những vùng đất cách mạng

09:49 - Thứ Năm, 31/08/2023 Lượt xem: 7407 In bài viết

ĐBP - Trải qua thăng trầm của lịch sử, Điện Biên ghi dấu nhiều chiến công hiển hách trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, gắn với những vùng quê cách mạng. Đó từng là căn cứ địa nuôi giấu, chở che cho cán bộ; bất khuất, anh dũng chống lại kẻ thù xâm lược... Ngày nay, dù vẫn còn gian khó, nhưng bằng ý chí, truyền thống cách mạng, những mảnh đất ấy đã và đang đổi thay, phát triển từng ngày.

Đoạn đường đi qua trung tâm xã Mường Phăng, dẫn đến Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Các địa danh cách mạng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh ta có thể nhắc đến như: Xã Pú Nhung, Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo), xã Xa Dung (huyện Điện Biên Đông), Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ), Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa)... Mỗi nơi có đặc điểm riêng, gắn với những câu chuyện, dấu mốc lịch sử khác nhau nhưng cùng chung ý chí kiên cường, đoàn kết, không chịu khuất phục cái xấu. Tinh thần ấy vẫn được phát huy đến ngày nay, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới, nông thôn mới.

Xa Dung là xã vùng cao phía Bắc huyện Điện Biên Đông, cách trung tâm huyện 40km. Xa Dung có di tích hang Mường Tỉnh, căn cứ kháng chiến quan trọng của quân đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Giai đoạn 1949 - 1954, tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Đội du kích xã Xa Dung đã phối hợp với bộ đội bẻ gãy nhiều cuộc hành quân càn quét của giặc Pháp. Đặc biệt, năm 1950, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Điện Biên (cũ) được thành lập tại đây; Ban Cán sự Đảng tỉnh Lai Châu (cũ) chuyển cơ quan về đóng tại hang Mường Tỉnh trong sự chở che, bảo vệ của đồng bào địa phương. Thời kỳ này, hang Mường Tỉnh là nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng, nơi cất giấu tài liệu, vũ khí, lương thực, đảm bảo việc cung cấp vũ khí cho bộ đội, du kích trong các cuộc chống càn, chiến tranh du kích...

Tự hào là vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, người dân Xa Dung luôn nỗ lực, vượt khó vươn lên. Dù là địa bàn vùng cao nhiều cách trở nhưng đồng bào các dân tộc cần cù, chịu khó. Một trong những định hướng mà xã đang phát triển là nuôi nhốt trâu, bò, kết hợp với trồng cỏ voi. Toàn xã hiện có tổng đàn trâu, bò gần 3.000 con và hơn 200ha cỏ voi. Nà Sản B là bản tích cực trong phong trào này. Anh Lầu A Thái, Trưởng bản cho biết: Hầu hết nhà nào trong bản cũng có trâu hoặc bò. Từ năm 2021, các hộ chuyển từ nuôi thả sang nuôi nhốt để chăm sóc trâu, bò tốt hơn, tăng hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, cả bản trồng 50ha cỏ voi theo phương thức trồng luân canh, làm thức ăn chăn nuôi. Tức là trên cùng diện tích nương, xưa kia người dân trồng cây một vài năm, bỏ không 2 - 3 năm thì nay luân canh trồng ngô, lúa và cỏ voi, không lãng phí đất”.

Ông Lường Văn Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xa Dung phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 2020 - 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 45%. Từ các nguồn lực, các chương trình mục tiêu quốc gia, người dân được trợ lực, hỗ trợ máy móc, con giống... nhưng quan trọng hơn cả vẫn là ý chí thoát nghèo, tự lực vươn lên của bà con. Tuy nhiên xã vẫn còn nhiều khó khăn, đường giao thông hầu hết chưa bê tông hóa, 5/19 bản chưa có điện lưới quốc gia, cần nhiều hơn nữa sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho mảnh đất cách mạng này.

Xã Mường Phăng - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng đã trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng. Ông Hoàng Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: Cùng với các ngành nghề nông nghiệp, du lịch hiện đang là hướng đi tiềm năng cho phát triển kinh tế nơi đây. Hệ thống di tích gồm Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tượng đài mừng công… đã tạo thế mạnh để Mường Phăng phát triển du lịch. Từ đầu năm 2023 đến nay, Mường Phăng đã đón khoảng 20.000 lượt du khách đến tham quan.

Với lợi thế này, nhiều gia đình ở Mường Phăng đã mạnh dạn đầu tư, phát triển các cơ sở kinh doanh nhà hàng, cửa hàng tạp hóa, buôn bán các mặt hàng đặc sản của địa phương, từ đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Mường Phăng cũng đang có sự chuyển dịch, phá thế độc canh cây lúa khi phát triển nhiều mô hình chăn nuôi cá, gia súc, gia cầm. Toàn xã hiện có khoảng 520ha lúa 2 vụ; hơn 100ha nuôi trồng thủy sản, 42ha cây ăn quả... Toàn xã hiện chỉ còn 15 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm.

Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự đóng góp của người dân, tuyến đường vào xã và đi các bản được đầu tư, giúp cho việc di chuyển của nhân dân và du khách thuận tiện. Đầu năm 2020, Mường Phăng được sáp nhập từ huyện Điện Biên về TP. Điện Biên Phủ, là điều kiện thuận lợi để xã huy động nguồn lực tiếp tục phát triển hơn nữa.

Các vùng căn cứ địa cách mạng đều đang chuyển mình. Người dân kiên cường năm xưa nay lại tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ấm no, xứng danh vùng đất lịch sử anh hùng.

Bảo Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top