Công tác cán bộ nữ dân tộc thiểu số tại Điện Biên

Bài 3: Giải pháp phát triển cán bộ nữ

10:06 - Thứ Hai, 11/09/2023 Lượt xem: 4104 In bài viết

ĐBP - Từ quan điểm cán bộ và công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, Điện Biên đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo, đưa ra các giải pháp, khắc phục khó khăn, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác cán bộ nữ người DTTS, đặc biệt ở vùng biên giới, vùng khó khăn của tỉnh.

Bài 2: Nhiều thách thức

Phụ nữ DTTS  tại huyện Mường Ảng tham gia tập huấn nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ.

Động lực từ chính sách

Chị Quàng Thị Nguyệt (dân tộc Khơ Mú), Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên khóa XV chia sẻ: “Tôi thấy Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến các DTTS. Bản thân tôi phát triển được như ngày hôm nay cũng là nhờ có các chính sách, ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng nữ cán bộ DTTS đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”.

Theo thống kê, hiện có hàng chục dự án luật và trên 30 chính sách về đồng bào DTTS, miền núi đang thực hiện, trọng tâm là một số đề án và 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Việc bảo đảm các điều kiện về kinh tế, văn hóa - xã hội là yếu tố then chốt giúp phụ nữ DTTS được thụ hưởng nhiều thành quả tích cực, có thêm nhiều cơ hội phát triển bản thân, tham gia công tác xã hội và tham gia chính trị, hướng tới bình đẳng giới và tiến bộ xã hội.

Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với phụ nữ và vấn đề bình đẳng giới. Trong đó nhấn mạnh việc “hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị” với các hoạt động nhằm “Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị”.

Bà Đỗ Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Trưởng ban Điều hành Dự án 8 cho biết: Tính đến nửa đầu năm 2023, tại tỉnh Điện Biên, Dự án 8 được triển khai tại 92 xã, 954 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Thực hiện dự án này, Điện Biên đã đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho 80 cán bộ nữ DTTS tham gia công tác trong hệ thống chính trị (gồm cán bộ nữ trong quy hoạch, cán bộ nữ mới bổ nhiệm, cán bộ nữ mới trúng cử lần đầu).

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ luôn quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đặc biệt là hội viên người DTTS tại vùng khó khăn, biên giới. Hội tiếp tục triển khai có hiệu quả nhiều chương trình, đề án như “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”...

Bên cạnh các chính sách đặc thù cho vùng DTTS, Trung ương đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, quy định, quy chế, hướng dẫn về công tác cán bộ là người DTTS, cán bộ nữ và cán bộ nữ DTTS. Trong quá trình thực hiện, Điện Biên đã bám sát nhiều chỉ đạo từ Trung ương. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… đều thể hiện sự quan tâm đến công tác cán bộ là người DTTS, trong đó có nữ cán bộ DTTS.

ĐBQH tỉnh Quàng Thị Nguyệt (dân tộc Khơ Mú) đóng góp ý kiến vào dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Giải pháp đồng bộ

Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030” được ban hành kèm theo Quyết định 2282/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030; tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp được đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực đạt 75% vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030.

Thực tiễn cho thấy, tỉ lệ cán bộ nữ DTTS tham chính ở đa số vùng biên giới, khó khăn của Điện Biên vẫn còn khoảng cách so với chỉ tiêu trên. Để có được đội ngũ cán bộ nữ người DTTS, đặc biệt là những nữ cán bộ có năng lực ở vùng biên giới, khó khăn không thể thực hiện một sớm một chiều. Đó là kết quả của một quá trình và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, khoa học. Cần có dự báo, kế hoạch, lộ trình, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, cố gắng của chính bản thân phụ nữ để xây dựng đội ngũ nữ cán bộ người DTTS đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp ở Điện Biên cần tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ nữ, cán bộ nữ DTTS và bình đẳng giới. Công tác cán bộ luôn phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, “là then chốt của then chốt”, là then chốt của công tác xây dựng Đảng để hiểu đúng và làm đúng.

Trao đổi về công tác cán bộ, ông Cao Đăng Hạnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: “Để thực hiện tốt công tác cán bộ nói chung, công tác cán bộ nữ, đặc biệt là cán bộ nữ người DTTS cần tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Trong quá trình thực hiện, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đưa vào quy hoạch, tạo nguồn cán bộ, quan tâm phát triển cán bộ là nữ người DTTS để từng bước đảm bảo cơ cấu, số lượng và nâng cao chất lượng cán bộ nữ DTTS lãnh đạo quản lý các cấp theo quy định”.

Thực hiện Đề án của Chính phủ về “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh Điện Biên”, năm 2023 Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức người DTTS toàn tỉnh là 7.119 lượt người. Sở đã đề nghị Trung ương xây dựng cơ chế đồng bộ công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức người DTTS.

Công tác cán bộ nữ DTTS cần phát huy được tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của các nữ cán bộ DTTS. Việc bố trí cán bộ cần phù hợp với năng lực, sở trường, ưu tiên phát triển nguồn cán bộ nữ DTTS tại chỗ. Cán bộ, đảng viên là người DTTS tại địa phương với ưu thế am hiểu phong tục, tập quán, tiếng nói của dân tộc, khi được đào tạo, bồi dưỡng về lí luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước trở thành hạt nhân chính trị, là nòng cốt trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình, đề án về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS đến với nhân dân.

Để nâng cao chất lượng cán bộ nói chung, cán bộ người DTTS và nữ cán bộ DTTS nói riêng, ông Cao Đăng Hạnh cũng cho biết thêm: Bên cạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, cần tăng cường công tác quản lý cán bộ người DTTS; thực hiện đánh giá và phân loại hằng năm đảm bảo theo quy định nhằm phát huy ưu điểm, giảm thiểu hạn chế, khuyết điểm.

Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt (dân tộc Khơ Mú, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà) cũng cho rằng: Bản thân cán bộ nữ người DTTS cũng cần thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình, không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện, vươn lên, khắc phục khó khăn để thực hiện tốt trọng trách được giao, khẳng định vị thế và cống hiến tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ bản làng, quê hương.

Dù còn nhiều thách thức nhưng công tác cán bộ nữ DTTS ở Điện Biên đã đạt được những thành quả rõ rệt. Điều đó thể hiện tính đúng đắn trong đường lối của Đảng và sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền tại Điện Biên. Việc tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cán bộ nói chung, công tác cán bộ nữ DTTS nói riêng sẽ góp phần xây dựng bộ máy nhà nước vững mạnh, tạo sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Điện Biên ngày càng văn minh, giàu đẹp. Từ đó góp phần củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thế Khang
Bình luận

Tin khác

Back To Top