Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 8/2023

10:27 - Thứ Tư, 13/09/2023 Lượt xem: 4431 In bài viết

Tại phiên họp thứ 26 diễn ra vào chiều 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 8 năm 2023.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo tại phiên họp.

Báo cáo tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân hết sức quan tâm đến chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Singapore, Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ, Tổng thống Kazakhstan và tin tưởng thông qua các hoạt động ngoại giao này sẽ góp phần củng cố, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các nước tiếp tục phát triển ổn định, thực chất và lâu dài trên tất cả các lĩnh vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực cũng như trên thế giới.

Đồng thời, cử tri đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về 8 dự án luật trình Quốc hội thông qua; đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Đây là hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật để phát huy các kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.

Cử tri bày tỏ phấn khởi, vui mừng về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; tổ chức khai giảng năm học mới trong không khí vui tươi, trang trọng, ý nghĩa, tạo không khí sôi nổi, vui tươi cho thầy và trò tại khắp các địa phương; phấn khởi về việc xuất khẩu gạo ngày càng khởi sắc, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao, đem lại thêm thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cũng bày tỏ lo lắng trước tình hình sạt lở, hiện tượng nắng nóng, khô hạn, giông lốc, mưa lớn ngày càng trở nên cực đoan xảy ra ở các địa phương đã gây thiệt hại về người và tài sản, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng thu hoạch các loại cây trồng; tình trạng mắc bệnh tay chân miệng và dịch sốt xuất huyết đang gia tăng; hiện tượng thương lái, doanh nghiệp tranh mua, tranh bán gạo gây xáo trộn thị trường; giá xăng liên tục tăng trong thời gian gần đây gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất; việc cập nhật, đồng bộ dữ liệu của công dân vào căn cước công dân mức độ 2 đối với một số trường hợp cá biệt như trẻ em từ 14 tuổi đến 16 tuổi, người không có điều kiện trang bị điện thoại thông minh, người lớn tuổi không sử dụng điện thoại di động…

Về kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền, tính đến nay, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho hay, Ban Dân nguyện đã nhận được kết quả giải quyết, trả lời đối với 1.510/2.762 kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiếm 54,7%. Qua rà soát, tổng hợp và sơ bộ đánh giá kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền, Ban Dân nguyện nhận thấy về cơ bản các cơ quan đã có cố gắng, tích cực giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 5.

Ngoài một số nội dung cử tri phản ánh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo, giải quyết trong thời gian qua, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn một số nội dung cử tri quan tâm, bức xúc hiện nay.

Cụ thể, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ và dự báo sát tình hình xuất, nhập khẩu, nhu cầu tiêu thụ, giá cả thị trường để có các giải pháp điều tiết việc kinh doanh, xuất nhập khẩu gạo, giữ vững thị trường xuất khẩu để nông dân an tâm sản xuất; có giải pháp dự báo sớm, khắc phục những khó khăn do thiên tai gây ra; sớm có giải pháp tìm nguồn vật liệu thay thế cát sông để đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng và dịch sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các khu vực có nguy cơ lây lan dịch bệnh, xử lý ổ dịch, hạn chế lây lan đồng thời tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân diệt muỗi, lăng quăng, sớm phát hiện các dấu hiệu bệnh để kịp thời đến các cơ sở y tế khám và điều trị; quan tâm và có hướng xử lý đối với việc kích hoạt cập nhật, đồng bộ dữ liệu của công dân vào căn cước công dân mức độ 2 đối với một số trường hợp cá biệt như trẻ em từ 14 tuổi đến 16 tuổi, người không có điều kiện trang bị điện thoại thông minh, người lớn tuổi không sử dụng điện thoại di động…

Theo chinhphu.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top