Các chương trình mục tiêu quốc gia bước đầu đạt kết quả tích cực

09:50 - Thứ Năm, 14/09/2023 Lượt xem: 3919 In bài viết

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành của Quốc hội và sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, bám sát mục tiêu, yêu cầu; cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội vùng nông thôn, miền núi được cải thiện nhiều.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả giám sát việc triển khai thực hiện các CTMTQG - Ảnh: VGP/ĐH

Tại phiên họp thứ 26 diễn ra vào chiều 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo kết quả giám sát "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030".

Đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành giám sát giữa kỳ và tiến hành đồng thời với 3 CTMTQG. 

Cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội vùng nông thôn, miền núi được cải thiện

Báo cáo tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành của Quốc hội và sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai thực hiện các CTMTQG bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, bám sát mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phạm vi, nguyên tắc trong Nghị quyết của Quốc hội; cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội vùng nông thôn, miền núi được cải thiện nhiều; công tác kiểm tra, giám sát liên ngành và riêng từng chương trình được tăng cường.

Chính phủ và các bộ, ngành đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại, lắng nghe ý kiến các địa phương. Qua đó đã tổng hợp được hơn 300 kiến nghị của địa phương, 150 ý kiến kiến nghị của Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp và nhiều nội dung Đoàn giám sát phát hiện về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã kịp thời giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi 11/11 văn bản quan trọng (gồm Nghị định 27 và các thông tư hướng dẫn), cũng như trả lời, giải thích, làm rõ những nội dung còn có cách hiểu khác nhau ở địa phương.

Công tác lập kế hoạch và phân bổ vốn thực hiện các chương trình đã được Chính phủ giao về các địa phương theo quy định của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công; nội dung bám sát các nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư các CTMTQG.

Kết quả giải ngân đã có tiến bộ trong năm 2023, nhất là nguồn vốn đầu tư. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước đến 31/8/2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển kéo dài của 3 CTMTQG đạt khoảng 58,47% kế hoạch vốn kéo dài (tính tổng vốn kế hoạch của năm 2022 đã giải ngân trong năm 2022 và trong 8 tháng năm 2023 đạt 79,82% kế hoạch năm 2022; kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ước đến 31/8/2023 đạt 41,9% kế hoạch).

Nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra

Từ thực tiễn triển khai 3 CTMTQG, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra.

Đó là, phải quán triệt, nhận thức đúng đắn, đầy đủ, rõ ràng các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, bám sát thực tiễn để bảo đảm nội dung của Nghị quyết được thể chế hóa đầy đủ ngay từ khi xây dựng các CTMTQG, cụ thể hóa cơ chế, chính sách, công tác điều hành, quản lý và tổ chức thực hiện.

Phát huy vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu, sự chủ động, trách nhiệm của cơ quan điều hành, thực thi là yếu tố then chốt để đạt kết quả chương trình. Khắc phục cho được tâm lý sợ sai, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.

Đồng thời, phát huy vai trò chủ thể, sáng tạo của nhân dân, tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là người dân, đối tượng thụ hưởng chương trình. Đây là yêu tố then chốt để quyết định sự thành công, hiệu quả của các CTMTQG.

Để có chính sách phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc lựa chọn, quyết định các danh mục dự án, tiểu dự án cụ thể. Các cơ quan Trung ương ban hành chính sách khung, giao chỉ tiêu cụ thể cho địa phương và xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá phù hợp, hiệu quả.

Sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp, khó thực hiện

Đoàn giám sát nêu lên một số kiến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề nghị tập trung chỉ đạo sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp, khó thực hiện; triển khai Nghị quyết số 100/2023/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện các CTMTQG, trong đó có việc xây dựng cơ chế thí điểm quản lý cho cấp huyện; thực hiện đầy đủ các kết luận của kiểm toán về các CTMTQG, bao gồm cả việc đề xuất xử lý vốn ngân sách đã được phân bổ cho một số địa phương nhưng chưa sát nhu cầu và quy định (hoàn thành trong năm 2023).

Cùng với đó là rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý sớm vốn tồn đọng do giải ngân chậm; tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, bức xúc về đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025; tăng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cho Ngân hàng Chính sách xã hội để tăng mức vay vốn hỗ trợ giảm nghèo, nhất là vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, cận nghèo trên địa bàn nông thôn (hoàn thành trong năm 2023).

Giao chỉ tiêu thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, thoát nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đối với các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cần đảm bảo, bền vững chất lượng cuộc sống, sinh kế, thu nhập của người dân được nâng lên, không bị rơi vào tái nghèo, cận nghèo.

Rà soát, điều chỉnh các tiêu chí nông thôn mới không phù hợp với thực tiễn; nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng bộ tiêu chí về nông thôn mới theo tinh thần Kết luận 65-KL/TW ngày 30/9/2019 của Bộ Chính trị (hoàn thành trong năm 2023).

Nghiên cứu, xây dựng trang thông tin điện tử để trao đổi, phản hồi nhanh, kịp thời và công khai, minh bạch kết quả thực hiện các CTMTQG tại từng địa phương; số hóa, xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hiện các CTMTQG.

Chỉ đạo nghiên cứu, định hướng xây dựng nội dung, cơ cấu, chính sách các CTMTQG chuẩn bị điều kiện để thực hiện cho giai đoạn 2026-2031.

CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua chủ trương tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022. Chương trình có tổng kinh phí tối thiểu (số làm tròn) là 196.332 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương là 39.632 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 156.700 tỷ đồng).

CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24/2021/QH15 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tại Quyết định 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022. Chương trình có tổng nguồn vốn tối thiểu (số làm tròn) là 75.000 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương là 48.000 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 12.690 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác là 14.310 tỷ đồng). Chương trình gồm 7 dự án, kết cấu thành 2 dự án độc lập và 5 dự án với 11 tiểu dự án.

CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tại Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021. Chương trình được có kinh phí tối thiểu (số làm tròn) là 137.664 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư là 50.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 54.323 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 10.016 tỷ đồng; vốn vay tín dụng chính sách là 19.727 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác là 2.967 tỷ đồng). Chương trình gồm 10 dự án, 14 tiểu dự án, thực hiện trên địa bàn 49 tỉnh.

Theo chinhphu.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top