Quyết liệt ngăn chặn, xử lý vi phạm bản quyền, bảo vệ sản phẩm báo chí trong môi trường số

15:36 - Thứ Năm, 14/09/2023 Lượt xem: 4664 In bài viết

Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, các nền tảng số xuyên biên giới, hệ thống trang tin tổng hợp, báo chí đối mặt nhiều thách thức, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ. Đặc biệt, tình trạng vi phạm bản quyền báo chí ngày càng phổ biến.

Ngày 13/9 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số”. Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo cơ quan quản lý báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí hàng đầu Việt Nam cùng nhiều chuyên gia báo chí có kinh nghiệm.

Quang cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định: Một trong những thách thức lớn đổi với chuyển đổi số báo chí là vấn nạn vi phạm bản quyền nội dung số, theo đó hiện tượng vi phạm quyền pháp lý được cấp cho người tạo ra hoặc sở hữu nội dung số để kiểm soát việc sao chép, phân phối và sử dụng nó trong môi trường số hóa đang diễn ra phổ biến với tốc độ cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, phạm vi ngày càng rộng. Đây chính là rào cản lớn đối với chuyển đổi số báo chí ở các cơ quan báo chí hiện nay. 

Ông Trần Trọng Dũng cho rằng, bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số trở thành vấn đề cấp bách với mọi nhà báo, mọi cơ quan báo chí. Khi bảo vệ được quyền tác giả là đảm bảo rằng các nhà báo, các tác giả được công nhận và được trả nhuận bút xứng đáng cho lao động nghiệp vụ báo chí của họ. Điều này thúc đẩy sự sáng tạo và đầu tư cho hoạt động sáng tạo nội dung báo chí, tạo động lực cho các nhà báo và các cơ quan báo chí đầu tư vào các dự án phát triển nội dung, các dự án đổi mới sáng tạo báo chí.

Ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định, vấn nạn vi phạm bản quyền nội dung số là rào cản lớn đối với chuyển đổi số báo chí.

Theo ông Trần Trọng Dũng, quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ và quyền liên quan đã được luật pháp quy định, tuy nhiên, việc phân định quyền quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ hiện còn bị phân tán, chưa có sự thống nhất cũng như phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng. Các biện pháp chế tài xử phạt còn chưa đầy đủ, chưa rõ ràng và còn mâu thuẫn, chồng chéo gây khó khăn trong việc xử lý. Ngoài ra, sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm báo chí hiện nay còn chưa nghiêm.

Cũng nhắc đến môi trường pháp lý, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nêu quan điểm, nội dung số nói chung và bản quyền tác phẩm báo chí phải đối diện với những thách thức mới, đòi hỏi môi trường pháp lý phải được định hình lại.

Ông Hồ Quang Lợi cho biết, tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí ngày càng phổ biến, tinh vi, không chỉ vi phạm bản quyền, những tin, bài bị “đánh cắp bản quyền” trong rất nhiều trường hợp bị cắt cúp, làm méo mó, sai lệch thông tin, gây ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị nắm bản quyền, của tác giả bài viết, gây hiệu ứng tiêu cực trong xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

Ban chủ trì buổi Hội thảo.

Không chỉ dừng lại ở đó, theo ông Hồ Quang Lợi vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí còn gây thất thu lớn về mặt kinh tế cho cơ quan báo chí. Thị phần quảng cáo và khai thác nội dung báo chí lẽ ra nằm tại các đơn vị nắm giữ bản quyền thì lại chảy về các trang web, trang điện tử, các tài khoản mạng xã hội, khiến nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn lớn về nguồn thu.

"Điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến lĩnh vực bản quyền, sở hữu trí tuệ", ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Đại diện cho lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà báo Nguyễn Đức Hiển - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP HCM nêu thực trạng, tần suất lẫn số lượng xâm hại bản quyền báo chí ngày càng tăng. Theo nhà báo Nguyễn Đức Hiển, nếu cách đây hai thập kỷ, một tác phẩm báo chí thường chỉ bị xâm hại bản quyền bởi một hoặc vài đối tượng - thường là các cơ quan báo chí khác, thì nay nó có thể cùng lúc bị xâm hại, chia sẻ độc giả bởi rất nhiều, có thể là hàng trăm, hàng ngàn đối tượng, trên mọi phương tiện và nền tảng với phương cách đa dạng, khó đối phó, nhiều trường hợp là không thể đối phó.

"Một tác phẩm báo chí vừa xuất bản, chỉ sau vài mươi phút có thể được cải biến một chút và trở thành video clip, voice với giọng đọc AI hoặc viết lại bởi tờ báo khác, tràn ngập trên mạng Youtube, Tiktok, Facebook...

Trong khi đó, việc bảo vệ bản quyền dù đã có quy định nhưng chưa theo kịp sự thay đổi của công nghệ, chủ yếu chỉ đủ sức bảo vệ bản quyền trước sự xâm hại của các đối tượng và nền tảng truyền thống", nhà báo Nguyễn Đức Hiển nhìn nhận.

Để giúp cơ quan báo chí tự bảo vệ và hỗ trợ cơ quan báo chí bảo vệ bản quyền, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP HCM cho rằng, cần cả ba chân kiềng: Một là sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành; Hai là hoạt động mạnh mẽ và nghiêm khắc và hiệu quả của hệ thống các cơ quan có thẩm quyền, ý thức tự bảo vệ của chính cơ quan báo chí; Ba là sự hỗ trợ của công nghệ.

Nhà báo Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập Báo HàNộiMới chia sẻ ý kiến tại Hội thảo.

Đánh giá về những nguyên nhân khiến vi phạm bản quyền ngày càng nhức nhối và không dễ ngăn chặn, nhà báo Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập Báo HàNộiMới cho biết, trước hết là do sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các thiết bị cho phép truy cập Internet đã giúp việc truyền tải và sao chép các tác phẩm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết khi chỉ cần vài cú nhấp chuột là đã sao chép được. 

Nguyên nhân nữa là trình độ hiểu biết và ý thức của tổ chức, cá nhân về vấn đề này còn hạn chế. "Chúng ta chưa đặt việc bảo vệ tài sản của mình là một nhiệm vụ quan trọng. Các cơ quan báo chí chưa quyết liệt trong việc đối phó với tình trạng này. Nhiều người có quyền không nhận thức được quyền của mình, không biết cách để bảo vệ quyền khi bị xâm phạm", nhà báo Nguyễn Minh Đức nói.

Đồng quan điểm với nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Tổng Biên tập Báo HàNộiMới cũng cho rằng, trong nhiều trường hợp, luật pháp chưa thực sự bắt kịp với sự phát triển của công nghệ, vẫn còn “lỗ hổng” trong việc bảo vệ bản quyền tác giả một cách hiệu quả trong môi trường Internet. Mức xử phạt trong lĩnh vực vi phạm bản quyền báo chí còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Việt Nam cũng chưa có một tổ chức hoạt động chuyên nghiệp để xử lý những xung đột giữa người vi phạm bản quyền và các cơ quan báo chí.

Chia sẻ ý kiến tại Hội thảo, PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, việc vi phạm bản quyền báo chí không chỉ là vấn đề vi phạm pháp luật mà hơn thế, đó là sự xuống cấp đạo đức và văn hoá. 

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hẳng cho rằng, vi phạm bản quyền báo chí là hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức và văn hoá.

Việc nhà báo vi phạm bản quyền báo chí thường được coi là vi phạm chuẩn mực đạo đức và các tiêu chuẩn về văn hoá truyền thông vì nó liên quan đến một loạt giá trị quan trọng trong nghề báo và truyền thông, bao gồm: Sự trung thực và đáng tin cậy; tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, tính đa dạng và độc lập trong nguồn tin và vấn đề đề cao sáng tạo và sự công bằng.

PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh, biểu tượng cao đẹp về đạo đức và văn hoá của nhà báo và cơ quan báo chí là sự trung thực và đáng tin cậy. Nhà báo và toà soạn báo phải đảm bảo rằng thông tin họ cung cấp là đúng đắn và chính xác. Việc sao chép hoặc tái sử dụng nội dung mà không có sự cho phép hoặc sửa đổi nội dung, mạo danh để đáp ứng mục tiêu riêng có thể gây hiểu lầm cho độc giả và đánh mất tính đáng tin cậy của người làm báo và cơ quan báo chí.

"Chuẩn mực đạo đức trong ngành báo chí đòi hỏi tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Nhà báo không được phép lấy nội dung của người khác mà không có sự cho phép hoặc trái với các quy định bản quyền", PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng nhận định.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã cùng phân tích làm rõ thực trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí hiện nay, đặc biệt là thực trạng khai thác bản quyền số trong lĩnh vực báo chí, cũng như thảo luận tìm giải pháp hữu hiệu để bảo vệ bản quyền báo chí trong môi trường số.

Tại Hội thảo, các đại biểu, lãnh đạo cơ quan quản lý và lãnh đạo các cơ quan báo chí đều đưa ra nhận định, bảo vệ bản quyền báo chí giúp ngăn chặn hiện tượng ăn cắp các chất liệu báo chí, giả mạo báo chí để lan truyền các thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả mạo, thúc đẩy một nền báo chí với “hàng thật” và “hàng chất lượng cao”.

Bảo vệ bản quyền báo chí còn là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí hiện nay. 

Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo Hội Truyền thông số Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác về bảo vệ bản quyền báo chí.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã đề xuất những giải pháp thực tiễn giúp các cơ quan báo chí có thêm cơ sở để quyết liệt trong ngăn chặn, xử lý vi phạm bản quyền, bảo vệ tốt nhất những sản phẩm trí tuệ của mình, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch trong lĩnh vực báo chí truyền thông giúp cho hoạt động báo chí ngày càng chất lượng hơn, chuyên nghiệp hơn, đảm bảo sứ mệnh phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Cũng trong khuôn khổ buổi Hội thảo, đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam về bảo vệ bản quyền báo chí. Lễ ký kết được kỳ vọng trong thời gian tới, các hoạt động tư vấn và hướng dẫn cho các nhà báo và tổ chức báo chí về quyền sở hữu trí tuệ và các vấn đề liên quan đến bản quyền sẽ được đẩy mạnh; hỗ trợ các nhà báo và cơ quan báo chí trong việc đăng ký bản quyền và giải quyết các tranh chấp liên quan đến bản quyền. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí.

Theo congluan.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top