Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Nghị quyết “thắp sáng” huyện nghèo (1)

15:18 - Thứ Hai, 09/10/2023 Lượt xem: 3106 In bài viết

ĐBP - Điện Biên Đông là huyện vùng cao, khó khăn của tỉnh; hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là hệ thống điện lưới quốc gia. Trước năm 2020, Điện Biên Đông là huyện có tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia thấp nhất tỉnh. Trước thực trạng đó, đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Điện Biên Đông ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 28/4/2021 (Nghị quyết 02) về xóa bản “trắng” điện lưới quốc gia. Đảng bộ huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai linh hoạt các giải pháp thực hiện mục tiêu phủ kín điện lưới đến các bản vùng cao, vùng sâu. Sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết 02, số bản, hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia liên tục tăng. Dự kiến đến cuối năm 2024, huyện Điện Biên Đông sẽ có 100% bản và trên 95% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, hoàn thành mục tiêu nghị quyết trước 1 năm.

Đơn vị chủ đầu tư cùng tư vấn thiết kế khảo sát dự án điện sinh hoạt tại bản Tào La (xã Tìa Dình).

Bài 1: Giải bài toán nguồn vốn

Xác định để hoàn thành mục tiêu xóa bản “trắng” điện lưới quốc gia, điều kiện tiên quyết là phải giải quyết dứt điểm bài toán khó về nguồn vốn. Trước đây, việc kéo điện lên vùng cao huyện Điện Biên Đông phụ thuộc hoàn toàn nguồn vốn, dự án của Trung ương, của tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025, Điện Biên Đông đã chủ động bố trí, huy động nguồn vốn. Nhờ đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, 100% dự án đầu tư đường điện về các bản, nhóm hộ đã xác định được nguồn vốn giúp các bản vùng cao lần lượt được đóng điện.

Theo dòng đầu tư công

Ðến hết nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Ðiện Biên Ðông còn 39 bản chưa có điện lưới quốc gia, hơn 2.600 hộ chưa được sử dụng điện; là huyện “đội sổ” về tỷ lệ bản có điện và số hộ dân được sử dụng điện lưới. Nguyên nhân là do thiếu kinh phí đầu tư các dự án điện. Thiếu điện là rào cản phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các bản vùng cao, vùng sâu. Chính vì vậy, nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Điện Biên Đông xác định tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án điện, phủ điện lưới đến 100% bản, nhóm dân cư trên địa bàn. 

Ông Mùa A Vảng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông cho biết: Sau gần 70 năm giải phóng, đến nay tỉnh Điện Biên đã có nhiều bước phát triển đột phá; kinh tế - xã hội trên đà hội nhập. Thế nhưng, tại Điện Biên Đông vẫn còn trên 2.600 hộ dân với 39 bản chưa có điện lưới quốc gia. Đây là một hạn chế khó có thể chấp nhận. Chào mừng 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và kỷ niệm 30 năm thành lập huyện, Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa VI ban hành Nghị quyết số 02 về xóa bản “trắng” điện lưới quốc gia trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025. Nghị quyết là cơ sở, nền tảng để huyện Điện Biên Đông xây dựng kế hoạch, chuẩn bị phương án bố trí vốn và tổ chức thực hiện kéo điện lưới lên các bản vùng cao.

Trên cơ sở Nghị quyết 02, UBND huyện Điện Biên Đông đã xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động số 149/KH-UBND ngày 15/7/2021 với lộ trình đầu tư; giao nhiệm vụ cụ thể đến từng phòng, ban, đơn vị trực thuộc, quyết tâm chính trị cao nhất hoàn thành mục tiêu 100% thôn bản có điện.

Cuối năm 2021, Sở Công Thương ghi vốn đầu tư dự án điện cho 2/39 bản chưa có điện của huyện Điện Biên Đông. Như vậy, nhiệm vụ của huyện Điện Biên Đông là phải nghiên cứu, bố trí nguồn vốn để thực hiện các dự án điện cho 37 bản còn lại.

Ông Đinh Quang Bạo, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Điện Biên Đông cho biết: Nghị quyết số 02 ban hành vào thời điểm đầu giai đoạn đầu tư công 2021 - 2025 tạo điều kiện thuận lợi cho UBND huyện trong công tác bố trí nguồn vốn. Thực hiện nhiệm vụ phân công, Phòng phối hợp chặt chẽ với Phòng Tài chính - Kế hoạch đưa 37/37 bản chưa có điện vào danh mục đầu tư công của cả giai đoạn. Tuy nhiên, khi trình danh mục đầu tư công, UBND tỉnh đã cắt danh mục dự án đầu tư của 12/37 bản với lý do tổng nhu cầu vốn cho các dự án điện thời điểm đó chiếm tỷ trọng lớn so với tổng nguồn đầu tư giao cho huyện trong cả giai đoạn. Đồng thời, do 12 bản này đã nằm trong danh mục các dự án đầu tư điện của Sở Công Thương. Kết quả là huyện Điện Điện Đông ghi vốn đầu tư điện thành công cho 25/37 bản.

Giai đoạn đầu tư 2016 - 2020, các dự án do Sở Công Thương làm chủ đầu tư đa phần chưa chủ động về nguồn vốn, đồng thời dự án bố trí dàn trải cho 10 huyện, thị xã, thành phố. Do đó, tốc độ phủ điện lưới rất chậm. Rút kinh nghiệm với quan điểm không “ôm cây đợi thỏ”, thụ động trông chờ vào các dự án từ Sở Công Thương, huyện Điện Biên Đông tiếp tục tiến hành rà soát, lồng ghép nguồn lực để bố trí vốn đầu tư dự án điện cho 12 bản còn lại. Trên cơ sở đánh giá tổng thể các nguồn vốn, UBND huyện Điện Biên Đông báo cáo và được thông qua phương án lồng ghép nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư kéo điện cho 5 bản thuộc xã Chiềng Sơ - xã phấn đấu cơ bản đạt chuẩn NTM, trong đó có tiêu chí số 4 về điện trong năm 2024.

Dự án cấp điện sinh hoạt bản Tồng Sớ (xã Pú Hồng) đã hoàn thành và chuẩn bị đóng điện trong tháng 10/2023.

Linh hoạt điều chuyển vốn

Đến năm 2022, huyện Điện Biên Đông vẫn còn 7 bản chưa xác định được nguồn vốn đầu tư các dự án điện. Để có nguồn kinh phí đầu tư, huyện Điện Biên Đông đã rà soát, đánh giá tính khả thi, hiệu quả đầu tư các dự án đã được ghi danh mục đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025. Từ đó, điều chỉnh danh mục, điều chuyển vốn từ dự án hiệu quả đầu tư thấp sang các dự án về điện nông thôn.

Theo kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Trung ương năm 2023 thực hiện Chương trình MTQG Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, huyện Điện Biên Đông được giao vốn đầu tư xây dựng 2 công trình chợ nông thôn: Chợ liên xã Xa Dung - Phì Nhừ và chợ liên xã Phình Giàng - Pú Hồng, với tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi đánh giá tổng thể, việc triển khai 2 dự án này gặp nhiều vướng mắc trong việc bố trí mặt bằng xây dựng chợ, diện tích đất thực hiện dự án lớn, nguồn vốn đầu tư không có chi phí giải phóng mặt bằng; suất đầu tư chợ cao nên tính khả thi, hiệu quả đầu tư thấp. Mặt khác, trên địa bàn xã Xa Dung hiện còn 2 bản Háng Tầu và Huổi Hịa; xã Pú Hồng còn bản Pú Hồng A với tổng số 97 hộ, 507 người chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. UBND huyện Điện Biên Đông đã lập kế hoạch, điều chỉnh danh mục, điều chuyển vốn giữa các dự án trên.

Ông Đinh Quang Bạo, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Điện Biên Đông cho biết: Để đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn, việc điều chuyển nguồn đầu tư công trình điện sinh hoạt là rất thiết thực. Chủ trương dừng đầu tư 2 chợ vùng cao chuyển sang đầu tư 2 dự án điện được Ban Thường vụ Huyện ủy, HĐND huyện chấp thuận. Kế hoạch điều chuyển vốn sang dự án điện của huyện được UBND tỉnh, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Ban Dân tộc tỉnh đồng ý để huyện triển khai đầu tư các dự án cấp điện 3 bản: Háng Tầu, Huổi Hịa (xã Xa Dung) và Pú Hồng A (xã Pú Hồng). Hiện nay, 3 công trình điện sinh hoạt cho các bản trên đang gấp rút triển khai thực hiện. Theo kế hoạch, chậm nhất đến cuối năm 2024 các dự án sẽ hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng.

Theo kế hoạch vốn đến hết năm 2024, huyện Điện Biên Đông vẫn còn 5 bản chưa có điện. Bên cạnh đó, qua rà soát, toàn huyện phát sinh thêm 31 nhóm hộ chưa được sử dụng điện lưới do hệ quả chia tách, sáp nhập thôn, bản. Thách thức đặt ra là làm thế nào để huy động, bố trí đủ vốn đầu tư các công trình điện cho 5 bản và 31 nhóm hộ còn lại trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước đã kín danh mục?

Xã hội hóa nguồn vốn - giải pháp được huyện Điện Biên Đông lựa chọn sau nhiều cuộc họp, bàn thảo.

Theo khái toán của phòng chuyên môn, tổng mức đầu tư các dự án điện cho 5 bản và 31 nhóm hộ khoảng 52 tỷ đồng. Triển khai thực hiện, huyện Điên Biên Đông đã đề nghị và được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh hỗ trợ trong công tác kết nối, xã hội hóa nguồn vốn. Sau nhiều cuộc làm việc, kêu gọi hỗ trợ, huyện Điện Biên đã được TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ 50 tỷ đồng thực hiện mục tiêu xóa bản “trắng” về điện.

Ông Mùa A Vảng, Bí thư Huyện ủy cho biết: TP. Hồ Chí Minh nhận lời hỗ trợ kinh phí sẽ giúp Điện Biên Đông sớm hoàn thành 100% mục tiêu Nghị quyết số 02 khi kết thúc năm 2024.

Bài 2: Bám bản, sát dân tạo sự đồng thuận

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top