Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Nghị quyết “thắp sáng” huyện nghèo (2)

09:50 - Thứ Ba, 10/10/2023 Lượt xem: 3443 In bài viết

Bài 2: Bám bản, sát dân tạo sự đồng thuận

ĐBP - 100% dự án đưa điện lên các bản vùng cao đều được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Từ đây phát sinh nhiều khó khăn, đặt ra nhiều thách thức đối với cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Điện Biên Đông để có được sự đồng thuận của người dân khi thực hiện các dự án. Với quyết tâm cao, huyện Điện Biên Đông đã phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của cán bộ đảng viên, kiên trì bám bản, gần dân “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, thuyết phục bà con đồng thuận.

Bài 1: Giải bài toán nguồn vốn

Người dân bản Nà Nếnh B, C tham gia cuộc họp về công tác giải phóng mặt bằng dự án điện bản Na Su.

Những cuộc họp xuyên ngày đêm

Nguồn vốn chỉ đủ bố trí cho các gói thầu xây dựng, không có kinh phí giải phóng mặt bằng nên huyện Điện Biên Đông gặp khá nhiều khó khăn để có mặt bằng sạch bàn giao cho đơn vị thi công dự án kéo điện lưới về bản.

Anh Vàng A Dua, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Điện Biên Đông, cũng là một trong những hạt nhân thường xuyên tham gia các buổi tuyên truyền, vận động xuyên ngày đêm, cho biết: Đối với dự án đầu tư cho các bản trong cùng một xã, đơn vị triển khai khá thuận lợi, các hộ dân tích cực tham gia thực hiện dự án. Song, với các dự án có điểm đấu nối đường dây hạ thế từ bản đã có điện sang bản chưa có điện thuộc 2 xã khác nhau lại gặp nhiều khó khăn. Dân bản đã có điện cho rằng mình không được hưởng lợi từ dự án nên có nhiều phản ứng trái chiều. Đối với các dự án này, chủ đầu tư, cấp ủy, chính quyền các xã và đơn vị thi công thường xuyên phối hợp xuống cơ sở, tổ chức họp dân, gặp gỡ từng trường hợp để tuyên truyền, vận động bà con đồng thuận thực hiện dự án.

Dự án cấp điện bản Na Su (xã Tìa Dình) có tổng mức đầu tư 3 tỷ đồng. Theo phương án thiết kế, công trình có điểm đấu nối đường dây hạ thế từ công trình điện có sẵn tại bản Nà Nếnh A, B, C (xã Pú Hồng). Đây là phương án tối ưu, là điểm đấu nối gần nhất. Nếu lựa chọn điểm đấu nối xa hơn, đường dây hạ thế phải đi men theo hệ thống đường giao thông để tránh vào diện tích rừng, chiều dài đường dây và số lượng cột điện sẽ tăng gấp 2 lần, kéo theo tổng mức đầu tư dự án tăng lên 6 - 7 tỷ đồng. Quá trình triển khai, một số hộ dân ở 3 bản trên phản đối, không cho đơn vị thi công chôn cột, kéo đường dây qua diện tích đất canh tác. Một chiến dịch dân vận đầy cam go bắt đầu!

Từ tờ mờ sáng, anh Vàng A Dua cùng cán bộ phòng Kinh tế - Hạ tầng men theo con đường liên xã ngoằn ngoèo lưng chừng núi để đến bản Nà Nếnh B cho kịp giờ hẹn với người dân. Sương mù dày đặc giăng kín lối đi, tầm nhìn hạn chế song cung đường dài hơn 30km từ thị trấn Điện Biên Đông vào bản Nà Nếnh B đã trở nên quen thuộc. Lý do bởi từ tháng 5/2023 đến nay, mỗi tháng anh em phòng Kinh tế - Hạ tầng đều “có hẹn” từ 2 - 3 lần với người dân 3 bản Nà Nếnh A, B, C.

Anh Vàng A Dua chia sẻ: Mỗi lần vào bản họp dân, chúng tôi đều gọi điện hẹn trước 1 ngày và anh em cố gắng đến thật sớm chuẩn bị chu đáo cho cuộc họp. Những buổi họp dân đầu tiên, công tác tuyên truyền, vận động đều diễn ra khá suôn sẻ, thuận lợi. Đến thời điểm tháng 6/2023, cơ bản các hộ dân ở 3 bản đã đồng thuận, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Tuy nhiên có 7 hộ dân thuộc 2 bản: Nà Nếnh B, C vẫn phản đối và đề nghị UBND huyện phải có chính sách hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng. Theo thiết kế, dự án ảnh hưởng tới diện tích đất nương của 7 hộ dân với 7 vị trí chôn cột (16 cột điện). Công tác dân vận đối với những hộ dân trên thật sự khó khăn. Chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, từ tuyên truyền tập trung đến tuyên truyền riêng lẻ từng hộ; ban ngày bà con bận đi nương, chúng tôi tổ chức họp buổi tối. Nhưng 7 hộ này vẫn giữ nguyên quan điểm, nhất quyết không đồng ý.

Từ khi trúng thầu dự án điện sinh hoạt bản Na Su, tất cả buổi họp dân, ông Ngô Đức Ảnh, Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Sang Điện Biên đều có mặt. Tháng 5  đến tháng 7 mưa nhiều, đoạn đường từ xã Mường Nhà (huyện Điện Biên) đi xã Pú Hồng (Điện Biên Đông) lầy lội và hay xảy ra sạt lở. Có lần xe sa lầy, lại vào sáng sớm, ít xe qua lại nên không thể nhờ hỗ trợ, ông Ảnh để ô tô lại, đi bộ vào khu dân cư gần đó, thuê người dân chở bằng xe máy lên bản cho kịp giờ họp.

Đến giờ, ông Ngô Đức Ảnh vẫn nhớ như in buổi làm việc ngày 24/5 với 7 hộ dân bản Nà Nếnh B, C kéo dài hơn nửa ngày. “Tôi chưa từng tham dự một buổi họp dân nào kéo dài và căng thẳng như vậy. Từ đầu giờ chiều, cuộc làm việc đã căng thẳng, các bên thay nhau trình bày quan điểm. Cuộc họp kết thúc vào 2 giờ sáng song kết quả không như mong muốn của 2 bên” - ông Ảnh kể lại.

Là một trong 7 hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án, hộ ông Giàng A Ký, bản Nà Nếnh B có 1 vị trí với 1 cột điện vào đất nương. Ông Ký đề nghị: Thi công đường điện vào nương sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Các đơn vị cần có cơ chế hỗ trợ, đền bù hợp lý mới đồng ý bàn giao mặt bằng thi công dự án. Bên cạnh đó, xe chở vật liệu đi qua phần đất của gia đình thì phải hỗ trợ gia đình tiền công mở đường.

Hơn 2 giờ sáng, những chiếc xe máy xuyên màn đêm rời nhà văn hóa bản Nà Nếnh B, để lại sau lưng cuộc đàm phán đi vào ngõ cụt. Sau buổi họp đó lại tiếp tục những cuộc họp dân xuyên ngày đêm. Có cuộc họp, cơ bản các hộ đã đồng thuận, song đến phút cuối ký biên bản lại có 1 hộ thay đổi quyết định. Theo phản ứng dây chuyền, tất cả những hộ còn lại cũng không đồng ý. Do không thống nhất được với các hộ dân 2 bản Nà Nếnh B, C nên dự án điện sinh hoạt bản Na Su buộc phải dừng thi công trong vòng 3 tháng (từ tháng 6 đến tháng 9/2023).

Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thường xuyên bám bản, gần dân để vận động người dân đồng thuận thực hiện dự án điện.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Công tác tuyên truyền, vận động rơi vào bế tắc, Phòng Kinh tế - Hạ tầng báo cáo UBND huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Thường trực Huyện ủy Điện Biên Đông đã thành lập đoàn công tác, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhằm sớm tháo gỡ “nút thắt” đối với dự án điện bản Na Su.

Bà Mùa Thị Mai, Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Điện Biên Đông cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, cuối tháng 9 vừa qua, Ban Dân vận đã chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Ủy ban MTTQ huyện và các đơn vị liên quan tổ chức buổi làm việc với 7 hộ dân 2 bản Nà Nếnh B, C. Những buổi làm việc trước đó, các hộ dân đã cơ bản nắm được chủ trương, chính sách của huyện đối với dự án điện bản Na Su. Do đó, sau nửa ngày nỗ lực vận động, thuyết phục với quan điểm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân và hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp, những hộ dân phản đối đã đồng thuận, ký cam kết bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công dự án.

Là một trong những thành viên tham gia “chiến dịch” dân vận ngay từ những ngày đầu, ông Mùa A Nếnh, Phó Chủ tịch UBND xã Pú Hồng chia sẻ: Đời sống người dân 2 bản Nà Nếnh B, C còn nhiều khó khăn, chúng tôi nhận định bản chất các kiến nghị của người dân là mong muốn các đơn vị hỗ trợ để vơi bớt khó khăn khi phải thu hồi một phần đất và một số diện tích cây trồng chưa được thu hoạch để phục vụ dự án. Với trách nhiệm của chính quyền xã, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị tích cực tuyên truyền, vận động. Cuộc làm việc cuối tháng 9 mới đây là buổi thứ 10 tôi tham gia. Đây cũng là buổi làm việc có kết thúc đẹp, mang lại niềm vui cho cả 3 bên: Người dân bản Nà Nếnh B, C; người dân bản Na Su và các đơn vị thực hiện dự án.

Cầm trên tay tờ biên bản làm việc với sự đồng thuận của những hộ dân chống đối trước đây, ông Ngô Đức Ảnh, Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Sang Điện Biên thở phào: Đơn vị sẽ triển khai thực hiện các nội dung đã cam kết tại buổi làm việc. Quá trình thi công tại địa bàn, đơn vị sẵn sàng hỗ trợ các hộ dân một số phần việc như: San gạt nền nhà, mở đường vào khu sản xuất… Sau buổi làm việc này, Công ty sẽ huy động tối đa máy móc, nhân công, thi công ngày đêm bù tiến độ cho thời gian vừa qua phấn đấu hoàn thành dự án, đóng điện cho người dân bản Na Su trước Tết nguyên đán 2024.

Bài 3: Đổi thay nhờ điện lưới quốc gia

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top